Quân đội Australia hôm 26/11 gửi thông báo tước quân tịch đến ít nhất 10 lính đặc nhiệm do liên quan tới những cáo buộc hành quyết dân thường ở Afghanistan. Những người này thuộc diện nhân chứng hoặc đồng lõa trong các vụ giết người, không nằm trong số các binh sĩ có thể bị truy tố hình sự.
Những người này có ít nhất 14 ngày để phản hồi thông báo tước quân tịch, hiện chưa rõ họ có đại diện pháp lý hay không.
Bộ Quốc phòng Australia chưa bình luận về thông tin.
Thông tin được đưa ra sau khi thẩm phán tòa án quân sự Australia Paul Brereton tuần trước công bố báo cáo điều tra cho biết một số binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Không quân (SAS) và trung đoàn biệt kích đã sát hại 39 dân Afghanistan "một cách tàn bạo" trong 23 vụ riêng biệt.
Cuộc điều tra được Brereton thực hiện trong hơn 4 năm qua, trong đó một số binh sĩ đặc nhiệm bị tố "cắt cổ" nạn nhân, bày tỏ thái độ hả hê, thực hiện hành vi "đếm xác" và đặt vũ khí cùng một số thiết bị khác lên thi thể để biện minh cho hành động của mình.
Theo báo cáo điều tra, các nạn nhân bị sát hại "không trong tình huống giao chiến", "không tham chiến hoặc không còn là người tham chiến". 19 người được xác định trực tiếp phạm tội, trong đó có một số đặc nhiệm vẫn phục vụ trong quân đội Australia.
Báo cáo cho biết phần lớn nạn nhân bị sát hại đều "đã bị bắt và khống chế", đồng nghĩa với việc họ được bảo vệ theo luật pháp quốc tế về tù nhân chiến tranh. Một số lính mới của đội đặc nhiệm được cấp trên ra lệnh hành quyết tù nhân tàn nhẫn để "quen mùi máu" sau khi ghi nhận "chiến tích giết người đầu tiên".
"Thông thường, chỉ huy đội tuần tra sẽ chọn một tù nhân và một lính mới, sau đó ra lệnh cho người lính này giết tù nhân. Vũ khí, bộ đàm sau đó sẽ được đặt cạnh thi thể và một câu chuyện sẽ được bịa ra trong báo cáo tác chiến để biện minh cho hành động giết người", báo cáo có đoạn.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gọi điện cho Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani để xin lỗi trước khi báo cáo điều tra được công bố.
Brereton mở cuộc điều tra với các đặc nhiệm Australia khi nhận nhiệm vụ kiểm tra hàng chục vụ án ở Afghanistan năm 2005-2016. Đội điều tra xem xét 20.000 tài liệu cùng 25.000 bức ảnh và đặt câu hỏi với 423 nhân chứng, cho biết khiếu nại từ dân địa phương hoặc các nhóm nhân quyền bị bác bỏ với lý do là "hoạt động tuyên truyền của Taliban" hay nhằm đòi tiền bồi thường.
Thẩm phán Brereton đề nghị truy tố hình sự và thu hồi huy chương của các binh sĩ liên quan đến hành vi sát hại 39 người Afghanistan, bồi thường lập tức cho nạn nhân và gia đình của họ, thu hồi bằng khen các đơn vị có liên quan thuộc Nhóm Tác chiến Đặc biệt.
Giới chức Australia hồi tháng 3 mở cuộc điều tra một đặc nhiệm nghi hành quyết dân thường Afghanistan, sau khi video cuộc đột kích năm 2012 được truyền thông công bố. Video cho thấy thanh niên Afghanistan ngồi dưới đất không mang vũ khí và không chống cự bị một đặc nhiệm Australia nã ba phát đạn vào người.
Australia triển khai đặc nhiệm chiến đấu cùng quân đội Mỹ và đồng minh tại Afghanistan từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Các lực lượng này rút về nước năm 2014.
Vũ Anh (Theo Reuters)