Thông tin được cập nhật trên website của Bộ Giáo dục Australia, tuần này. Số lượng sinh viên quốc tế mà các trường được phép tuyển mới chưa được công bố. Các trường muốn tuyển nhiều hơn quy định sẽ phải xây thêm chỗ ở cho sinh viên.
Các khóa học sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ), các khóa học tiếng, không cấp bằng và các khóa ngắn hạn khác không bị ảnh hưởng.
"Sinh viên quốc tế đã quay trở lại nhưng có những kẻ xấu tìm cách lợi dụng họ. Những cải cách nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, chất lượng và sự bền vững lâu dài", Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare cho biết trong thông báo.
Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil nói đây là bước tiến mới kể từ khi Australia áp dụng chính sách mới về người nhập cư năm ngoái.
"Với việc cấp thị thực cho sinh viên quốc tế trở lại bằng mức trước đại dịch, giờ đây trọng tâm chuyển sang đảm bảo các con số này được quản lý một cách chiến lược, lâu dài", bà O'Neil cho biết.
Quyết định nhận sự ủng hộ từ chuyên gia. Giám đốc điều hành các đại học Australia, Luke Sheehy, cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ để mang lại nền tảng vững chắc cho lĩnh vực giáo dục quốc tế.
Tuy nhiên, theo ICEF Monitor, trang thông tin về giáo dục quốc tế, quyết định mới mang thông điệp tiêu cực về độ tin cậy của Australia với tư cách là một quốc gia du học thân thiện. Còn theo The Guardian, các trường dạy nghề sẽ bị ảnh hưởng lớn vì nhóm này thường bị cho là gây ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của hệ thống di cư.
Australia liên tiếp thắt chặt quy định với sinh viên quốc tế, trong bối cảnh người nhập cư tăng, gây sức ép lên thị trường nhà ở. Chính phủ nước này hai lần tăng mức chứng minh tài chính, tăng yêu cầu tiếng Anh, đưa ra bài kiểm tra mới có tên The Genuine Student Test nhằm đảm bảo thị thực được dùng cho mục đích du học. Các đại học tại Australia cũng được chia thành ba nhóm theo mức độ rủi ro tuyển sinh. Việc xử lý đơn xin cấp thị thực ở các trường mức 2, 3 sẽ chậm hơn so với mức 1.
Australia là một trong những điểm đến du học được ưa chuộng nhất thế giới, mang về cho nền kinh tế 47,8 tỷ USD vào năm 2023. Tính đến tháng 10 năm ngoái, nước này có khoảng 768.000 sinh viên quốc tế, đông nhất là du học sinh Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal. Việt Nam có hơn 31.000 du học sinh ở đây, xếp thứ 6.
Doãn Hùng (Theo The Guardian, ICEF Monitor)