"Chúng tôi đã phải rất vất vả trong nhiều năm để đàm phán TPP. Tôi không muốn, và tôi biết nhiều nước cũng không muốn, những tiến triển này đổ sông đổ bể", ông khẳng định trên Bloomberg.
Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ sau khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi hiệp định này tháng trước. Ngoài TPP, ông Trump còn chỉ trích nhiều hiệp định thương mại tự do khác mà Mỹ đang tham gia. Ông không hài lòng với các chính sách giao thương với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và đe dọa đánh thuế nặng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ciobo cho biết ông đã có các cuộc nói chuyện về một TPP không Mỹ (TPP - 1) với các nước như Nhật Bản, Canada, Mexico, Malaysia, Singapore và New Zealand. Một số quốc gia đã ám chỉ sẽ đàm phán trực tiếp với Mỹ về thương mại. Australia đã có hiệp định thương mại song phương với Mỹ. Một số nước khác, như Hàn Quốc hay Singapore cũng vậy.
Thủ tướng Australia - Malcolm Turnbull cho biết đã bàn bạc với Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe và các lãnh đạo của New Zealand, Singapore. Ông nhận thấy một số bên có vẻ lưỡng lự về một TPP thiếu nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo quy định, hiệp định này chỉ có thể có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối. Vì thế, nếu vắng Mỹ, hiệp định không thể thực thi.
Khi nói về quy định này, ông Ciobo cho rằng "chỉ cần thay đổi nhỏ về ngôn ngữ trong hiệp định để có thể tiếp tục mà không cần Mỹ. Nếu chúng ta có thể đồng ý về nguyên tắc rằng muốn thực hiện TPP không Mỹ, đó đã là một tiến triển rất lớn rồi". Ông cũng tiết lộ sẽ có cuộc họp về chuyện này với các thành viên tiềm năng tại Chile tháng tới.
Khó khăn với TPP lại đang mở ra cánh cửa cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiệp định này do Trung Quốc khởi xướng, hiện gồm 16 quốc gia - là 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Vòng đàm phán sắp tới của RCEP sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Nhật Bản.
Hà Thu (theo Bloomberg)