Những ngày gần đây, Andrew Ferguson ở bang South Australia (Australia) bận rộn với việc marketing hơn hẳn. Đầu tháng này, ông lập một tài khoản mạng xã hội trên WeChat để kết nối lại với các khách hàng lâu năm ở Trung Quốc mà ông đã ngừng làm ăn suốt nhiều tháng. Trước khi đại dịch bùng phát đầu năm ngoái, Ferguson xuất khẩu khoảng 450 tấn tôm hùm đá sang Trung Quốc mỗi năm.
Tuy nhiên, đại dịch và lệnh cấm không chính thức mà Trung Quốc áp lên tôm hùm Australia đầu tháng 11/2020 đã khiến xuất khẩu của ông sang đây nhanh chóng về 0. Tổng cộng, 11.000 tấn tôm hùm sống xuất khẩu mỗi năm của Australia phải dừng lại đột ngột.
"Chúng tôi đều rất ngạc nhiên khi biết Trung Quốc sẽ cấm tôm hùm Australia. Qua nhiều năm, chúng tôi đã có rất nhiều bạn bè thông qua chuỗi cung ứng Trung Quốc", Ferguson cho biết, "Tôi đoán là mình đã quá bằng lòng với nhu cầu từ Trung Quốc. Nên giờ đây, chúng tôi phải khởi động lại và tìm đến các thị trường mình đã bỏ qua".
Sự gián đoạn xuất khẩu bắt nguồn từ căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia, khi Australia thúc giục điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19 cách đây một năm. Dù vậy, diễn biến này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho chính phủ và ngành xuất khẩu Australia.
Ferguson cho biết đây là bài học về việc không nên phụ thuộc vào một thị trường nào cả. "Tái gia nhập các thị trường cũ sẽ mất thời gian", ông nói, do tiêu thụ từ Trung Quốc quá lớn khiến họ không đủ nguồn cung cho các thị trường khác.
Trong một cuộc họp tại Quốc hội Australia về đa dạng hóa thương mại năm ngoái, nhiều hãng xuất khẩu chỉ ra bằng chứng cho thấy nước này "nhiều lần tập trung vào Trung Quốc và ngó lơ các thị trường khác". Khi đó, Liên đoàn Nông dân Quốc gia Australia (NFF) cho rằng chính phủ cần "đưa ra ưu tiên rõ ràng, dài hạn về tiếp cận các thị trường mới".
Trung Quốc mua 91% tôm hùm đá xuất khẩu của Australia năm 2019 và 2020. Một dự báo của Bộ Nông nghiệp Australia dự báo trong 5 năm tới, xuất khẩu tôm hùm sẽ chưa thể quay về mức đỉnh giai đoạn 2013 - 2019. Báo cáo này cũng cho rằng họ có nhiều cơ hội để bù đắp phần thương mại bị mất tại Trung Quốc, "nhưng các thị trường này nhỏ hơn và tập trung vào sản phẩm giá rẻ hơn Trung Quốc".
Về phần mình, Ferguson cũng đang tìm "các thị trường khác". Việc này gồm bán tôm hùm đông lạnh cho các siêu thị tại Australia, Mỹ, châu Âu - những nơi từng là thị trường lớn của Australia trước khi hàng xuất khẩu chuyển hướng sang Trung Quốc sau thỏa thuận thương mại tự do năm 2015. Ông cũng kéo dài thời gian đánh bắt tôm hùm từ 5 tháng lên 12 tháng.
Đầu năm nay, chính quyền South Australia hỗ trợ ngành công nghiệp tôm hùm đá bằng cách gia hạn mùa đánh bắt và cho phép chuyển giao quota đánh bắt nếu chưa dùng hết. "Việc này giúp chúng tôi đàm phán thêm thị trường mới mà không phải chịu sức ép về thời gian. Trung Quốc có thể mở cửa lại vào lúc nào đó, nhưng ai mà biết khi đó thị trường ra sao", Ferguson nói.
Hà Thu (theo SCMP)