Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hôm nay cho biết quan chức Australia đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các đối tác ở Bắc Kinh rằng họ sẽ bắt đầu cuộc điều tra về thuế quan đã xóa sổ thương mại lúa mạch giữa Australia với Trung Quốc. Theo ông Birmingham, khoản thuế bổ sung 80% Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia là "thiếu cơ sở" và "không được củng cố bởi các sự kiện và bằng chứng".
"Chúng tôi rất tự tin rằng dựa trên bằng chứng, dữ liệu và phân tích mà chúng tôi đã tổng hợp, Australia có một vụ kiện cực kỳ mạnh mẽ", ông Birmingham nói. "Các quy trình giải quyết tranh chấp của WTO không hoàn hảo và mất nhiều thời gian, nhưng cuối cùng đó là con đường thích hợp cho Australia vào thời điểm này".
Bộ trưởng Thương mại Australia đồng thời cho biết thêm rằng nước này có thể hành động thêm ở các lĩnh vực khác.
Trung Quốc hồi tháng 5 thông báo áp thuế 80,5% với lúa mạch từ Australia vì lý do phá giá, "gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp nội địa". Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 19/5 và thời hạn lên tới 5 năm, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%.
Australia là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc với tổng trị giá xuất khẩu lên tới 1,3 tỷ USD/năm. Quan chức Australia từng thừa nhận nước này không có nhiều thị trường thay thế ngoài Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh có thể chuyển sang nhiều nhà cung cấp khác như Pháp, Canada, Argentina và một số nước châu Âu.
Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã cân nhắc hạn chế nhập khẩu lúa mạch Australia từ năm 2018 trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc, nước chỉ sản xuất khoảng 20% lượng lúa mạch họ cần, phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc xấu đi đáng kể trong những tháng gần đây. Ít nhất 13 ngành của Australia đã phải chịu thuế hoặc một số hình thức gián đoạn, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.
Truyền thông Trung Quốc cũng liên tục công kích Australia về một loạt vấn đề. Những động thái này dường như bắt đầu từ việc Canberra đối đầu sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Australia hiện vẫn tránh việc đưa các tranh chấp lên WTO vì lo ngại quá trình giải quyết có thể mất nhiều năm, khiến Australia dễ bị trả đũa và làm xấu đi mối quan hệ.
Huyền Lê (Theo AFP, SMH)