Hawke khẳng định quyết định của ông được đưa ra dựa trên cơ sở lợi ích sức khỏe cộng đồng. "Để đi đến quyết định này, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng các thông tin do Bộ Nội vụ, Lực lượng Biên phòng Australia và ông Djokovic cung cấp", thông báo của Hawke có đoạn. "Chính phủ của Thủ tướng Scott John Morrison cam kết bảo vệ biên giới của Australia, đặc biệt là liên quan đến đại dịch Covid-19".
Thủ tướng Morrison cũng ủng hộ Hawke trong thông cáo cùng ngày, trong đó nhấn mạnh: "Australia đã phải hy sinh nhiều thứ trong đại dịch, và đó là những gì Bộ trưởng Hawke đã làm hôm nay. Chính sách bảo vệ biên giới chặt chẽ của Australia đã giúp người dân an toàn, cả trước và trong thời Covid-19".
Vẫn chưa rõ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Djokovic chưa bị xoá tên khỏi bảng phân nhánh Australia Mở rộng. Trang The Age cho biết, tay vợt Serbia nhiều khả năng sẽ bị đưa trở lại khách sạn cách ly tối 14/1, trong lúc chờ chuyến bay rời Australia. Nhưng khả năng cao anh và cộng sự sẽ kháng cáo, dù các chuyên gia cho rằng rất khó để thắng kiện lần nữa. Luật sư của Djokovic đang chuẩn bị tài liệu để kháng cáo, và muốn phiên toà diễn ra trước Chủ nhật 16/1.
Hawke thực hiện quyết định theo điểm 133C(3) của luật Di trú Australia, cho phép Bộ trưởng thi hành quyết định tước visa của một cá nhân "trên cơ sở lợi ích sức khỏe cộng đồng". Cũng theo điều luật này, Djokovic không được cấp visa tới Australia trong ba năm tiếp theo. Điều đó có nghĩa anh đối diện nguy cơ sẽ vắng mặt ở ba giải Australia Mở rộng liên tiếp.
Hôm 10/1, tòa án tuyên Djokovic thắng kiện trước Lực lượng biên phòng Australia, sau khi bị tước visa tại sân bay Melbourne bốn ngày trước đó. Thẩm phán Anthony Kelly yêu cầu chính quyền trả lại giấy tờ cho Djokovic. Cũng trong phiên toà hôm đó, đại diện chính phủ Australia cho biết Hawke xem xét có áp dụng quyền lực riêng của Bộ trưởng để tước visa lần nữa hay không.
Ông Hawke có thể quyết định ngay thứ Hai, nhưng đến 18h03 thứ Sáu 14/1, giờ Melbourne, luật sư của Djokovic mới nhận được văn bản thông báo quyết định của Bộ trưởng. Trong khi đó, Australia Mở rộng sẽ bắt đầu thi đấu từ thứ Hai 17/1. Với thời hạn như vậy, Djokovic có thể sẽ không đủ thời gian kháng cáo.
Bộ trưởng Di trú không nói rõ vì sao ông tước visa của Djokovic. Tay vợt số một thế giới chưa tiêm vaccine Covid-19, và anh đến Australia theo diện được miễn trừ do dương tính với nCoV hôm 16/12. Anh được Liên đoàn Quần vợt Australia cấp giấy miễn trừ, và bang Victoria - nơi tổ chức giải - chấp thuận. Nhưng, chính quyền liên bang Australia không công nhận tính hợp pháp của giấy miễn trừ này. Trước đó, hai tay vợt rơi vào tình trạng giống Djokovic đã bị trục xuất khỏi Australia.
Djokovic còn gây tranh cãi khi phỏng vấn và chụp hình với các phóng viên của L'Équipe khi đã biết mình mắc bệnh. Anh cũng không nói cho ai trong ê-kíp của L'Équipe về điều đó. Ngoài ra, Djokovic cũng vướng nghi vấn khai man khi điền tờ khai nhập cảnh Australia. Tay vợt Serbia đánh dấu vào ô "Không", với câu hỏi: "Anh có di chuyển đi đâu trong 14 ngày trước chuyến bay sang Australia không?". Nhưng, anh đã xuất hiện Marbella, Tây Ban Nha để tập luyện, một tuần trước khi nhập cảnh Australia. Djokovic giải thích hôm 12/1 rằng đây là sai lầm của người đại diện.
Hôm 13/1, Australia Mở rộng bốc thăm phân nhánh, đưa Djokovic gặp đồng hương Miomir Kecmanovic ở vòng một. Nếu Djokovic không thể thi đấu, một tay vợt thua ở vòng loại sẽ được chọn ngẫu nhiên thay thế. Tay vợt 34 tuổi là đương kim vô địch và cũng giữ kỷ lục chín lần đăng quang ở Melbourne.
Hoàng An