![]() |
Thủ tướng Australia và người đồng nhiệm Nhật Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Một số quan sát viên cho rằng thỏa thuận Nhật – Australia mở đường cho trục quan hệ Mỹ - Australia – Nhật, chủ yếu nhằm đề phòng Trung Quốc, cường quốc quân sự và kinh tế đang nổi lên ở khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tokyo và Canberra bác bỏ điều này.
Tại cuộc họp ở Tokyo, hai vị thủ tướng kêu gọi hợp tác chia sẻ thông tin chặt chẽ hơn và dự định tiến hành các cuộc tập trận chung phục vụ hoạt động cứu nạn, gìn giữ hòa bình quốc tế, bảo vệ biên giới, an ninh trên biển, chống khủng bố, và chống mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân và phá hủy hàng loạt. Hai bên sẽ tiến hành các buổi thảo luận an ninh “hai cộng hai” giữa các các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, tương tự như cách mà mỗi quốc gia này đã thực hiện với Mỹ.
Tokyo từng ký hiệp ước quốc phòng với Washington năm 1960. Theo đó, Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Nhật nếu nước này bị tấn công. Mỹ coi cả Australia và Nhật là những đồng minh chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và cả hai ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq. Khi binh lính Nhật ở Iraq hồi năm ngoái, binh lính Australia được triển khai để đảm bảo an ninh cho họ.
Giáo sư Alan Dupont thuộc Đại học Sydney nhận xét thỏa thuận trên có ý nghĩa lớn đối với cả hai nước: “Đây là một hiệp định rất quan trọng. Nó cho thấy Nhật đang dần nắm một vai trò quyết đoán hơn về quốc phòng và đối ngoại. Đối với Australia, đây là một sự thay đổi mang tính lịch sử. Mặc dù có thể xếp Australia vào châu Á, nước này vốn vẫn bị coi là kẻ đứng ngoài và người dân ở đây đa số gốc gác châu Âu. Quan niệm này giờ đã thay đổi”.
Australia muốn xích lại gần các láng giềng ở châu Á vì hai lý do chính: theo đuổi cơ hội kinh tế và củng cố an ninh. Những nỗ lực này không phải là mới, nhưng gần đây chúng đã được đẩy mạnh đến mức chưa từng có. Trong hai thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Ausralia đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của việc thúc đẩy quan hệ với những quốc gia mạnh nhất ở châu Á. Thương mại với khu vực đã giúp kinh tế Australia phát triển mạnh. Nhật là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này trong khi quan hệ thương mại với Trung Quốc tiếp tục nở rộ.
Hai năm qua, Australia đang nỗ lực để đạt hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và các cuộc thảo luận tương tự với phía Nhật dự kiến sẽ diễn ra trong ít tuần tới. Tất cả những việc này cần đến tài ngoại giao của vị thủ tướng dày dặn kinh nghiệm như John Howard, vốn cũng là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Washington.
Tình cảm giữa Tokyo và Bắc Kinh chưa bao giờ mặn mà. Theo tiến sĩ Jian Zhang, một chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Quân sự Australia ở Canberra, Bắc Kinh không hài lòng về thỏa thuận an ninh mới giữa Nhật và Australia: “Họ sẽ coi đây là nỗ lực nhằm đối phó với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực và càng khiến họ có lý do để nghi ngờ rằng đang hình thành một nhóm chống Trung Quốc trong số các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực. Do đó, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự”. Ông Howard cố gắng trấn an Trung Quốc khi nói rằng thỏa thuận quân sự với Nhật “không nhằm chống lại ai trong vùng”.
Không phải ai cũng hoan nghênh Australia gia nhập câu lạc bộ châu Á. Sau khi xảy ra vụ đánh bom ở Bali, Howard từng tuyên bố sẵn sàng mở các cuộc tấn công quân sự chống khủng bố tại các nước láng giềng châu Á, khiến nhiều người không hài lòng. Cựu phó thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammed từng lên án Australia là một nước “luôn tìm cách áp đặt các giá trị châu Âu của mình lên châu Á”.
“Sự bất ổn trong quan hệ giữa Australia với các quốc gia láng giềng châu Á thường nằm ở quan hệ với Indonesia hay Malaysia”, giáo sư Alan Dupont nhận xét. Những năm gần đây, Canberra và Jakarta đã xích lại gần nhau, sau các thảm kịch ở Bali và trận sóng thần hồi tháng 12/2004. Tuy nhiên, cựu phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim gần đây bình luận: “Nhiều người cho rằng Australia vẫn chưa thay đổi đáng kể những chính sách mang tính phân biệt chủng tộc. Chúng ta phải công nhận là họ đã có những thay đổi lớn, nhưng chúng vẫn chưa đủ mạnh mẽ”.
M.C. (theo BBC, Asia Times)