"Đương nhiên không và đó cũng không phải điều chúng tôi tìm kiếm. Tôi đã nghe lời phỏng đoán đó từ một số nhà bình luận. Rõ là sai lầm hoàn toàn", Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nói với ABC hôm 19/3, khi được hỏi liệu có phải nước này đã ngầm đưa ra cam kết cùng Mỹ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột ở hòn đảo, để đổi lấy thỏa thuận mua tàu ngầm hạt nhân.
Bộ trưởng Marles cho biết ông sẽ không suy đoán về khả năng xảy ra xung đột liên quan đến Đài Loan, song khẳng định đó là vấn đề hoàn toàn riêng biệt với AUKUS, thỏa thuận cho phép Australia mua tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ.
Theo ông Marles, thỏa thuận AUKUS sẽ hỗ trợ lợi ích của Australia trong bảo vệ thương mại và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông. Ông nói thêm các tàu ngầm hạt nhân có khả năng hoạt động trong chiến tranh, nhưng mục đích chính của Australia trong thương vụ này là "đóng góp cho sự ổn định, an ninh chung của khu vực".
Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 13/3 thông báo đạt thỏa thuận với Mỹ, Anh để mua tối đa 5 tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân lớp Virginia, mỗi chiếc giá hơn 3 tỷ USD, trong thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử nước này.
Australia dự kiến chi khoảng 245 tỷ USD để mua và duy trì hoạt động của đội tàu ngầm hạt nhân đến năm 2055. Thủ tướng Albanese nói rằng AUKUS sẽ mang lại khoản đầu tư 4 tỷ USD cho năng lực công nghiệp của Australia trong giai đoạn 2023-2027, đồng thời tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong 30 năm tới.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ, Anh, Australia kích động chạy đua vũ trang và thỏa thuận AUKUS là "ví dụ điển hình của tâm lý Chiến tranh Lạnh". Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khi đó nói ông không lo lắng rằng Trung Quốc sẽ coi thỏa thuận AUKUS là hành vi gây hấn.
Mỹ tuyên bố tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc", không thiết lập quan hệ chính thức với Đài Loan, song cam kết hỗ trợ vũ khí để giúp hòn đảo tăng cường năng lực phòng vệ, ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/Guardian)