Cáo buộc vi phạm Luật Quản lý Thiên tai được cảnh sát Myanmar đưa ra đối với bà Suu Kyi hôm nay, Khin Maung Zaw, luật sư của cựu Cố vấn Nhà nước, cho hay. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bà bị cáo buộc vi phạm điều luật này do hành vi nào.
Luật sư Khin Maung Zaw cho biết bà Suu Kyi đã gặp một thẩm phán qua đường truyền video nhưng các luật sư không thể tham dự vì chưa được cấp giấy ủy quyền. Trước đó, luật sư này nói rằng bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint sẽ hầu tòa vào ngày 16 và 17/2.
Khi được hỏi về tình hình sức khỏe của cựu lãnh đạo Myanmar, luật sư cho biết họ "chưa nghe hay nhận tin xấu nào", thêm rằng phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 1/3. Trong khi đó, chính quyền quân sự cho hay bà Suu Kyi "đang ở một nơi an toàn hơn" và "khỏe mạnh".
"Họ không giống như bị bắt, mà đang ở nhà của mình. Chúng tôi đang giữ Aung San Suu Kyi và Win Myint tại một nơi an toàn hơn để bảo vệ họ. Họ đều khỏe", phát ngôn viên quân đội Myanmar Zaw Min Tun hôm nay cho biết.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, lãnh đạo thực tế của đất nước, cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Hai ngày sau, Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm luật xuất nhập khẩu, khi cảnh sát phát hiện 6 bộ đàm được nhập và sử dụng trái phép tại nhà riêng của bà ở thủ đô Naypyidaw.
Cuộc đảo chính làm dấy lên làn sóng biểu tình khắp Myanmar nhằm ủng hộ bà Suu Kyi, buộc chính quyền quân sự phải triển khai xe bọc thép, sử dụng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông. Khoảng 400 người được cho là đã bị giam kể từ khi đảo chính xảy ra.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi kiềm chế bạo lực tại Myanmar, đồng thời yêu cầu quân đội nước này "cho phép khẩn cấp" nhà ngoại giao Thụy Sĩ Christine Schraner Burgener tới để đánh giá tình hình. Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt với một số tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Myanmar.
Ánh Ngọc (Theo AFP, Reuters)