Theo công bố mới nhất của trang Nature, tính đến ngày 14/12 năm 2021, đã có 10 tỷ liều vaccine Covid-19 được cung ứng trên toàn cầu. Trong đó, AstraZeneca hiện là đơn vị cung cấp số lượng vaccine nhiều nhất trên thế giới với gần 2,5 tỷ liều. Nhằm phòng chống đại dịch Covid-19, thế giới đã chứng kiến cuộc tổng tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.
Trong đó, Việt Nam cũng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc từ giữa năm ngoái. Đã có 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, còn có tên là Vaxzevria, được cung ứng trực tiếp cho Việt Nam chỉ trong vòng 10 tháng thông qua hợp tác với Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC và dưới sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế.
Theo ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và Các Thị trường mới nổi Khu vực Châu Á, trong giai đoạn tiếp theo của hợp tác với VNVC, hãng dược này sẽ tiếp tục chuyển thêm 25 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam trong năm 2022.
"Việc cung cấp số lượng lớn vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam trong thời gian sớm thể hiện cam kết của AstraZeneca trong việc cùng Chính phủ, ngành y tế Việt Nam phòng chống đại dịch và bảo vệ sức khỏe của người dân. Suốt 27 năm qua, AstraZeneca đã đồng hành cùng Việt Nam trong chiến lược phát triển y tế bền vững, với mục tiêu giảm gánh nặng kép của các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm", ông Nitin chia sẻ.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, AstraZeneca được biết đến rộng rãi hơn và gắn liền với vaccine. Tuy nhiên, tập đoàn dược này đã có bề dày lâu năm nghiên cứu, cung cấp các loại thuốc chất lượng cao và triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa để nâng cao chất lượng điều trị các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, thận và chuyển hóa, hô hấp và tiêu hóa.
Công ty dược Astra (Thuỵ Điển) đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994. Đến năm 1999, Tập đoàn AstraZeneca toàn cầu được hình thành qua sự sáp nhập của hai công ty dược Astra và Zeneca (Vương quốc Anh). Kế thừa thành tựu y học của hai quốc gia, cái bắt tay này đã giúp AstraZeneca phát triển lớn mạnh, gây dựng danh tiếng và hiện có mặt tại hơn 100 quốc gia, với gần 80.000 nhân viên trên thế giới. Tại Việt Nam, qua 27 năm hoạt động, tập đoàn này đã thiết lập một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với gần 500 nhân viên, thường xuyên được vinh danh trong top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.
Vị thế của AstraZeneca càng được khẳng định khi vaccine của hãng là loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới với hơn 170 quốc
gia, góp phần quan trọng trong nỗ lực chặn đứng dịch bệnh trên toàn cầu. Khi nhìn toàn cảnh hơn, với hàng loạt chương trình vì sức khỏe cộng
đồng, AstraZeneca đã và đang giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân trên thế giới, đồng thời tạo ra những tác động tích cực đến chất
lượng chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững y tế tại Việt Nam.
Ngay khi đại dịch bắt đầu lan rộng trên thế giới vào những tháng đầu năm 2020, AstraZeneca đã thể hiện tinh thần nhân văn khi cam kết cung ứng vaccine rộng rãi và công bằng, không vì lợi nhuận qua việc hợp tác với Đại học Oxford (Anh), trong đó có nhóm nghiên cứu của Giáo sư Sarah Gilbert. Mặc dù ban đầu một số người còn nghi ngại vaccine giá rẻ nhưng khi nguồn gốc câu chuyện được tiết lộ qua cuốn sách và những chia sẻ của Giáo sư Gilbert, người dân thế giới mới thấu hiểu sự quan trọng của vaccine này. Vaccine của AstraZeneca được bán với giá gốc đã giúp cho các nước thu nhập thấp, hàng trăm triệu người được tiếp cận và bảo vệ một cách kịp thời.
"Sự hợp tác mang tính bước ngoặt với Đại học Oxford đã giúp kết nối những nhà chuyên môn hàng đầu thế giới về phát triển vaccine với nhà sản xuất dược phẩm toàn cầu AstraZeneca. Cùng nhau, chúng tôi giữ vững cam kết cung ứng vaccine một cách rộng rãi và công bằng trong giai đoạn đại dịch", ông Nitin cho biết.
Các loại vaccine phòng Covid-19 đã có tác động lớn trên thế giới, giảm đáng kể số ca lây nhiễm, nhập viện và tử vong do dịch bệnh. Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 25/12 năm 2021, Việt Nam đã tiếp nhận 181,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19, với gần 98% dân số trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một liều, trong đó hơn 86% đã tiêm đủ hai liều vaccine.
Mặc dù vaccine đem lại hiệu quả bảo vệ cho phần lớn dân số, vẫn còn những nhóm tăng nguy cơ tiến triển Covid-19 nặng ngay cả khi đã tiêm đủ hai hay ba mũi vaccine. Ước tính có khoảng 2% dân số thế giới thuộc nhóm này. Đây là những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch do bệnh hay do điều trị, như bệnh nhân hóa trị, ung thư máu, chạy thận, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị các bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, đa xơ cứng...
Hướng đến những đối tượng dễ bị tổn thương và những người thường xuyên bị phơi nhiễm với virus do môi trường sống hoặc làm việc, AstraZeneca đã nghiên cứu và phát triển liệu pháp kháng thể đơn dòng. Đây là biện pháp đưa kháng thể đã được tạo ra sẵn vào cơ thể, được ví như một loại ‘vaccine tức thì’ vì người được tiêm sẽ có lượng kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể chỉ vài giờ sau khi tiêm. AstraZeneca là một trong số ít tập đoàn dược vừa phát triển thành công vaccine và liệu pháp kháng thể đơn dòng phòng ngừa Covid-19.
Đại diện AstraZeneca cho biết, kháng thể AZD7442, còn có tên gọi là Evusheld, là kết hợp của hai kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài, được tối ưu hóa để có tác dụng bảo vệ lên tới 12 tháng chỉ sau một lần tiêm bắp. Hiện Evusheld đã được cấp phép tại Mỹ, Pháp và một số quốc gia khác. Theo kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng pha 3 quan trọng, Evusheld giúp giảm 83% nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng và giảm tới 88% nguy cơ bệnh Covid-19 chuyển nặng hoặc gây tử vong nếu bệnh nhân được điều trị sớm trong vòng ba ngày kể từ khi triệu chứng khởi phát. Dữ liệu tiền lâm sàng mới nhất cũng cho thấy bộ đôi kháng thể này duy trì được hiệu quả trung hòa chống lại biến thể Omicron đang gây lo ngại trên toàn cầu.
Myron J. Levin - Giáo sư Nhi khoa và Y khoa, Trường Y của Đại học Colorado (Mỹ) và là một trong những chủ nhiệm chính của thử nghiệm PROVENT, cho biết: "Hàng triệu người ở Mỹ và trên toàn thế giới vẫn đứng trước nguy cơ nghiêm trọng từ Covid-19 bởi vì hệ miễn dịch của họ không tạo ra đủ đáp ứng miễn dịch, ngay cả sau khi được tiêm tất cả các liều vaccine được khuyến cáo. Evusheld là một lựa chọn mới, dễ dàng sử dụng và cung cấp sự bảo vệ lâu dài cần thiết, giúp họ được trở lại cuộc sống hàng ngày".
Chia sẻ về tín hiệu khả quan của liệu pháp kháng thể, ông Nitin cho biết: "Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp của FDA Mỹ cho Evusheld để phòng ngừa Covid-19 là dấu mốc quan trọng. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Y tế Việt Nam để đẩy nhanh quy trình cấp phép và hy vọng rằng 20.000 liều Evusheld mà VNVC đặt mua có thể sớm đáp ứng nhu cầu được bảo vệ của các nhóm dân số dễ bị tổn thương ở Việt Nam".
Với những nỗ lực đóng góp trong công tác phòng chống dịch Covid-19, AstraZeneca Việt Nam đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vào năm 2020 và các giải thưởng danh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc (BritCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham).
Mặc dù đại dịch Covid-19 đang chiếm phần lớn sự quan tâm của cộng đồng vì ảnh hưởng sâu rộng, tuy nhiên các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như ung thư; tim mạch, thận và chuyển hóa; hô hấp và tiêu hóa lại có tỉ lệ gây tử vong hàng đầu (chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật trong nước). Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, BKLN còn là bệnh lý nền, yếu tố tăng nặng và dẫn đến tử vong của các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm hay Covid-19. Vì vậy, giảm thiểu BKLN chính là mấu chốt để phát triển ngành y tế một cách bền vững.
Hiểu được thực tế này, ông Nitin chia sẻ, AstraZeneca luôn nỗ lực hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức từ gánh nặng kép của bệnh truyền nhiễm và các BKLN. Các loại thuốc tiên tiến, chất lượng cao của công ty đã và đang giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân mỗi năm. Với khoản đầu tư 2.000 tỷ đồng (90 triệu USD) từ năm 2022 – 2030 được công bố vào tháng 11 năm nay, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Vương quốc Anh, AstraZeneca cam kết sẽ chuyển giao công nghệ và sản xuất gia công một số loại thuốc quan trọng của tập đoàn tại Việt Nam. Điều này đóng góp cho việc nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước và phát triển hệ thống y tế Việt Nam một cách bền vững. Từ đó, khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân sẽ được đảm bảo tốt hơn, giúp giảm thiểu các BKLN.
Trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Y tế đặt mục tiêu xây dựng ngành dược Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều này, việc tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thuốc trong nước là vô cùng quan trọng. Thực tế, dự thảo đề ra tới năm 2030, thuốc sản xuất trong nước cần đạt khoảng 80% số lượng sử dụng trong bảo hiểm y tế.
Khi trao biểu trưng cam kết đầu tư 2.000 tỷ đồng vào Việt Nam, ông Pascal Soriot, giám đốc điều hành Tập đoàn AstraZeneca đã bày tỏ với Thủ tướng mong muốn hỗ trợ mục tiêu này của Việt Nam. Ông cũng chia sẻ, tại Việt Nam, AstraZeneca dẫn đầu về số lượng thử nghiệm lâm sàng do ngành dược phẩm tài trợ trong suốt 10 năm qua, với 40 thử nghiệm đang diễn ra, liên kết hợp tác với 44 bệnh viện trên cả nước để góp phần vào quá trình nghiên cứu và phát triển của nhiều loại thuốc điều trị BKLN.
Ông Nitin cho biết thêm, vào năm 2019, khi tiếp đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm nhà máy của AstraZeneca tại Thụy Điển, công ty cũng đã công bố khoản đầu tư lớn trị giá 5.000 tỷ đồng (220 triệu USD) vào Việt Nam cho một số lĩnh vực trong đó có đẩy mạnh công tác R&D dược phẩm trong nước.
Ông Nitin chia sẻ: "Chúng tôi luôn làm theo khoa học và đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu. Chúng tôi sẽ đầu tư tổng cộng 7.000 tỷ đồng vào Việt Nam trong giai đoạn 10 năm này để hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam phát triển một cách toàn diện và bền vững. Là một đối tác nhiều năm của Chính phủ và ngành y tế, chúng tôi sẽ luôn nỗ lực hết mình vì lợi ích của người dân Việt Nam".
Trong dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều bệnh nhân mắc các BKLN không được thăm khám, chăm sóc sức khỏe đều đặn khiến cho bệnh diễn tiến nặng hơn. AstraZeneca đã trao tặng cho Bộ Y tế số thuốc trị giá 62,6 tỷ đồng để hỗ trợ điều trị BKLN trong giai đoạn dịch. Đồng thời, tập đoàn cũng hỗ trợ các bệnh viện phát triển các chương trình khám chữa bệnh từ xa, nâng cao nhận thức về bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe...
Từ năm 1994 đến nay, đã có hàng loạt chương trình phát triển bền vững của AstraZeneca Việt Nam đồng hành cùng ngành y tế vì sức khỏe cộng đồng, như: Vì lá phổi khỏe, Sức khỏe Thanh thiếu niên, CaReMe... Theo đại diện AstraZeneca, các chương trình này đặt mục tiêu củng cố và phát triển bền vững hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ thông qua những giải pháp phát hiện bệnh sớm và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng trong quản lý bệnh, giúp cải thiện kết quả lâm sàng và chất lượng cuộc sống cho cả người bệnh và thân nhân.
Bên cạnh đó, chương trình ‘Hợp tác vì tính bền vững và sức chống chịu của hệ thống y tế’ (PHSSR) của AstraZeneca qua sự kết hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Kinh tế London (Anh) và Bộ Y tế Việt Nam, cũng đang được triển khai nhằm tăng cường toàn diện hệ thống y tế Việt Nam, chuẩn bị cho những thách thức sau này.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nitin cho biết thêm: "Tôi đã gắn bó với AstraZeneca hơn 10 năm qua và thực sự thấy tự hào vì những nỗ lực của công ty. Chúng tôi giữ bản thân và các nhân viên của mình ở những chuẩn mực cao trong mọi việc từ nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng, tới hành trình đưa các loại thuốc đến với bệnh nhân vì họ xứng đáng nhận được chất lượng chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Hy vọng các chương trình toàn diện của AstraZeneca sẽ ngày càng tác động tích cực tới nhiều người dân hơn nữa tại Việt Nam."
Nội dung: Ngọc An - Thiết kế: Hằng Trịnh