ASML, công ty sản xuất thiết bị quang khắc hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Lan, vô tình để lộ báo cáo tài chính sớm vào ngày 16/10. Hãng sau đó cho biết là do "lỗi kỹ thuật".
Theo CNBC, rò rỉ này đã cung cấp cái nhìn đầu tiên về ảnh hưởng của những hạn chế xuất khẩu từ Mỹ đối với doanh thu của ASML tại Trung Quốc. Trong khi đó, Reuters đánh giá báo cáo có thể "gây chấn động thị trường chip toàn cầu".
Cụ thể, ASML cho biết doanh thu của hãng vượt kỳ vọng với 7,5 tỷ euro (8,15 tỷ USD), nhưng đơn đặt hàng chỉ đạt 2,6 tỷ euro (2,83 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với ước tính 5,6 tỷ euro từ Sàn chứng khoán London (LSEG). Công ty Hà Lan cũng dự đoán doanh thu năm 2025 sẽ nằm trong khoảng từ 30 tỷ đến 35 tỷ euro (32,7 tỷ đến 38,1 tỷ USD), thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Trong báo cáo được tiết lộ sớm, ông Roger Dassen, Giám đốc tài chính của ASML, nói doanh thu từ Trung Quốc sẽ giảm vào năm sau do hạn chế xuất khẩu từ Mỹ. "Chúng ta đều đọc báo chí và thấy có những đồn đoán xung quanh kiểm soát xuất khẩu. Điều này khiến chúng tôi phải thận trọng hơn về doanh số bán hàng tại Trung Quốc", ông nói.
Sau khi thông tin được tiết lộ, vốn hóa ASML đã bốc hơi hơn 50 tỷ USD.
ASML đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu với các máy in quang khắc cực tím tiên tiến, được sử dụng bởi nhiều hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đầu năm nay, việc Mỹ cấm các công ty có sử dụng công nghệ của nước này bán hàng cho Trung Quốc khiến ASML mất đi thị trường rộng lớn. Trước đó, công ty Hà Lan vẫn bán các mẫu máy quang khắc cực tím sâu DUV cho Trung Quốc.
Báo cáo tài chính của công ty Hà Lan cho thấy 29% doanh thu đến từ Trung Quốc. Doanh số bán hàng sang nước này tăng mạnh trong ba quý đầu năm do khách hàng cố gắng mua máy DUV trước khi các hạn chế xuất khẩu được áp dụng.
Phó giáo sư Chris Miller tại trường Fletcher thuộc Đại học Tufts và tác giả cuốn sách Chip War, nhận định Trung Quốc vẫn là thị trường rất quan trọng đối với ASML dù hãng không còn được bán hàng ở đây. Ông dự đoán công ty vẫn có một nguồn doanh thu đáng kể thông qua việc nước này nhập máy móc quang khắc theo con đường gián tiếp.
Nói với CNBC, các nhà phân tích tại Bank of America nhận định ASML đang đối mặt với "sự suy giảm mạnh mẽ" từ Trung Quốc, với con số có thể "dần về 0". Đồng tình với quan điểm này, Abishur Prakash, người sáng lập công ty tư vấn The Geopolitical Business có trụ sở tại Toronto, cho rằng doanh thu của ASML sẽ giảm rất mạnh khi công ty bị "hạn chế nghiêm trọng" bởi kiểm soát xuất khẩu cũng như khi các doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc tự chủ được máy quang khắc. "Giống như Intel, ASML phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc", Prakash nói.
ASML chưa đưa ra bình luận.
Bảo Lâm (theo CNBC, Reuters)
- Mỹ tiếp tục gây sức ép lên ASML
- Trung Quốc chỉ trích Hà Lan vì hạn chế xuất khẩu máy làm chip
- Hà Lan chi 2,7 tỷ USD để giữ chân ASML