![]() |
Xuất khẩu sang EU có thể tăng mạnh. Ảnh: Anh Tuấn. |
Giáo sư Bùi Huy Khoát, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, cho biết, tiến trình hợp tác Á - Âu được xác định trên 3 lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá - xã hội. Trong đó, các nước thành viên được hưởng lợi từ kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại. Cụ thể, các nước cam kết sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan và kiến tạo nhiều cơ hội thương mại cho hai khu vực Á - Âu.
Được khai sinh từ sáng kiến của Thủ tướng Singapore, tháng 3/1996 Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần đầu tiên được tổ chức ở Bangkok bao gồm nguyên thủ 15 nước EU, 7 nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. |
Tham gia ASEM, VN đứng trước các thị trường khổng lồ. Chỉ tính riêng 10 nước ASEAN, tổng GDP năm ngoái ước đạt gần 2.000 tỷ USD, 3 nước Đông Á sức mua tương đương 10.000 tỷ USD, còn EU chiếm tới 40% thương mại và gần 50% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa VN và EU đang phát triển rất nhanh, năm 1990 mới ở mức khiêm tốn gần 300 triệu USD, năm 1995 vượt hơn 2 tỷ USD và năm 2002 đạt gần 5 tỷ USD. Đầu tư của các nước EU vào VN từ 1998 đến 2002 đã có 315 dự án với tổng vốn đăng ký trên 5,9 tỷ USD, trong đó đã thực hiện 3,1 tỷ USD, chiếm gần 10% vốn FDI ở VN.
Những con số trên so với tiềm năng của EU còn rất nhỏ, vì thế các chuyên gia kinh tế cho rằng, VN cần chớp cơ hội tìm các đối tác tiềm năng tại diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu được tổ chức bên lề hội nghị ASEM. Một vấn đề các doanh nghiệp VN cần chú ý theo ông Christoph Wiesner - Bí thư thứ nhất phái đoàn Ủy ban châu Âu tại VN - là thị trường EU cạnh tranh ngày càng gay gắt, do đó các yêu cầu về phẩm chất hàng rất khắt khe. Các mặt hàng như may mặc, giày dép, đồ gỗ sản xuất theo tiêu chuẩn và có sự giám sát chất lượng của các công ty nước ngoài đều được hoan nghênh và tăng kim ngạch đáng kể tại EU, song các sản phẩm VN tự sản xuất thì chưa có chỗ đứng.
Bà Đỗ Lan Phương, chuyên gia của Viện Nghiên cứu châu Âu, lưu ý về tình trạng phân biệt đối xử ở các nước Bắc Âu, giữa nhóm các nước đã là thành viên WTO, nhóm các nước WTO đã ký thỏa thuận song phương với EU về xóa bỏ hạn ngạch và thuế quan, nhóm các nước đang phát triển và không phải là thành viên của WTO và nhóm 48 nước chậm phát triển nhất thế giới. Sự phân biệt đối xử này có thể đặt VN vào vị trí bất lợi khi xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu thỏa thuận song phương về bỏ hạn ngạch và miễn giảm thuế vừa được EU ký đối với các nước thành viên WTO ở Đông Nam Á để tìm ra điểm mạnh của mình so với các đối thủ trong khu vực khi tiếp cận khách hàng châu Âu.
Theo bà Phương, chính sách cấp tín dụng của EU đối với VN cũng có những điểm đáng chú ý. Đó là tín dụng chỉ được cấp cho từng dự án cụ thể và căn cứ vào nhu cầu tín dụng của các công ty Bắc Âu khi tham gia dự án, phần ưu đãi chỉ ở mức tương đương với đối tác cạnh tranh khác.
Phong Lan