![]() |
Ông Markus Cornaro tại buổi trả lời phỏng vấn VnExpress trưa nay. |
- Xin ông giới thiệu về ASEM?
- Đây là diễn đàn hợp tác lớn nhất giữa châu Á và châu Âu tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng là chính trị, kinh tế, và văn hóa xã hội. ASEM hiện có 15 nước châu Âu, 7 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Uỷ ban châu Âu tham gia.
Theo thỏa thuận giữa hai châu lục từ năm 1996 (khi ASEM được thành lập), các cuộc họp thượng đỉnh sẽ được tổ chức 2 năm một lần, luân phiên giữa châu Á và châu Âu. Cách đây 2 năm, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM 4 tại Copenhaghen (Đan Mạch) năm 2002, các nước đã thống nhất chọn Việt Nam là địa điểm họp thượng đỉnh tiếp theo.
Theo đề xuất của Chính phủ Việt Nam, hội nghị ASEM 5 sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế giữa hai châu lục. EU sẽ thảo luận kỹ về vấn đề này trước khi có tuyên bố chính thức.
- Nước chủ nhà của một hội nghị ASEM có lợi ích gì?
- Đối với các nước tham gia, diễn đàn là cầu nối quan trọng để các nước châu Á và châu Âu chia sẻ quan điểm, tìm biện pháp thúc đẩy hợp tác.
Riêng đối với nước chủ nhà của hội nghị, còn có thêm các lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, lợi ích trực tiếp là công nghiệp du lịch có cơ hội phát triển do sẽ không chỉ có khách đến từ các nước ASEM mà nhờ uy tín của hội nghị còn thu hút khách quốc tế nói chung. Nhờ đó, doanh thu ngành dịch vụ, đặc biệt là khách sạn, sẽ bùng nổ. Thêm vào đó, các hợp tác kinh tế cũng giúp nước chủ nhà nâng cao sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh.
Lợi ích gián tiếp bao gồm việc cải thiện vị thế của nước đăng cai ASEM trên bản đồ thế giới, cơ hội để nhà tổ chức giới thiệu đây là một trung tâm hấp dẫn đối với các sự kiện lớn của khu vực và thế giới, là địa chỉ lý tưởng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
- EU có những hoạt động gì hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tổ chức ASEM 5?
- Một nhóm chuyên gia Đan Mạch đã đến Việt Nam để giúp Chính phủ chuẩn bị các công việc cần thiết cho hội nghị. Đây là những người có nhiều kinh nghiệm từ ASEM 4.
Chúng tôi cũng giúp đỡ Chính phủ về vấn đề nội dung hội nghị, chẳng hạn như các vấn đề được đưa ra thảo luận. Sẽ có hội thảo giới thiệu ASEM với báo chí. Trước thềm diễn đàn, sẽ có phiên họp chung giữa các bộ trưởng ngoại giao của các nước tham gia tại Ireland...
- Ông có lời khuyên nào với Chính phủ để ASEM 5 được tổ chức thành công?
- Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hội nghị tầm cỡ lớn. Chẳng hạn cuối năm trước, Việt Nam đã rất thành công với SEA Games 22.
Nhưng riêng với ASEM, do có nhiều nhà lãnh đạo cấp cao dự họp, cũng như nhiều cuộc họp chính thức và không chính thức bên lề hội nghị, tôi cho rằng nhà tổ chức nên tập trung vào các chủ đề chính. Quá nhiều sự kiện sẽ làm loãng trọng tâm.
Hy vọng ASEM 5, với hai ngày hội nghị, sẽ là diễn đàn tái khẳng định mối quan hệ hữu hảo giữa châu Á và châu Âu, đặc biệt là các giá trị gia tăng (added value). Châu Âu mong muốn châu Á sẽ ngày càng là đối tác lớn hơn về nhiều mặt. Chúng tôi luôn nhìn nhận về hợp tác với châu Á một cách tích cực trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Thanh Xuân thực hiện