"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đất, các diễn biến, hoạt động và sự việc nghiêm trọng gần đây, vốn làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy giảm hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực", Tuyên bố Chủ tịch được thông qua ngày 26/6, sau Hội nghị cấp cao ASEAN 36 (HNCC 36), có đoạn.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc từ đầu năm liên tiếp có các hành động khiêu khích trên Biển Đông, khi các nước trên thế giới dồn lực chống Covid-19. Bắc Kinh lập cái gọi là các quận hành chính "quản lý" Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá, điều tàu khảo sát bám theo tàu thăm dò dầu khí của Malaysia.
Trung Quốc gần đây còn tuyên bố canh tác rau trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp, gửi các công hàm đến Liên Hợp Quốc đòi yêu sách Tứ Sa, khu vực có phạm vi rộng hơn "đường 9 đoạn", trái ngược với quy định của luật pháp quốc tế.
Trong Tuyên bố Chủ tịch hôm qua, lãnh đạo ASEAN khẳng định các nước cần tăng cường tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế các hoạt động làm phức tạp hóa hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải pháp hoà bình, tuân theo luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
ASEAN tái khẳng định UNCLOS là cơ sở để xác định các thực thể trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp trên các vùng biển. UNCLOS cũng tạo ra khung pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Hiệp hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế trong hoạt động của các nước có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm những điều đã được nêu trong Tuyên bố về Ứng xử của các nước trên Biển Đông (DOC). Cam kết chung của ASEAN là tìm kiếm giải pháp hoà bình cho các tranh chấp, trong đó tôn trọng các quá trình pháp lý và ngoại giao.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, hoan nghênh các biện pháp thực tế có thể giúp giảm căng thẳng, giảm rủi ro xảy ra sự cố, hiểu lầm và tính toán sai", các lãnh đạo ASEAN nhất trí trong Tuyên bố.
Trong họp báo sau HNCC 36 chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ASEAN đã nêu đề nghị sớm khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Đàm phán này giữa Hiệp hội với Trung Quốc đã bị gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19.
Các lãnh đạo ASEAN khẳng định tầm quan trọng của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), được ASEAN thông qua sau HNCC 34 vào tháng 6/2019.
ASEAN nhất trí tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc của AOIP, cũng như khuyến khích các đối tác bên ngoài ủng hộ, hợp tác với Hiệp hội trong các lĩnh vực chính. Hiệp hội trông đợi các đối tác có các dự án thực tế để thúc đẩy lòng tin và lợi ích chung thông qua các cơ chế của ASEAN.
Trong Tuyên bố Chủ tịch ngày 26/6, các lãnh đạo ASEAN cũng bày tỏ mong muốn nối lại tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với Mỹ, nhân kỷ niệm 15 năm quan hệ hai bên trong 2020. Sự kiện này dự kiến diễn ra vào ngày 14/3 nhưng bị hoãn do lo ngại về nCoV.
ASEAN khẳng định cam kết ngăn chặn và đối phó với tình trạng hạn hán ở khu vực, trông đợi Tuyên bố của Hiệp hội về xây dựng khả năng đối phó hạn hán và kế hoạch hành động của khu vực. Năm 2019, một số nước thành viên ASEAN ở hạ nguồn sông Mekong như Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia gặp phải hạn hán nghiêm trọng, trong đó một trong các nguyên nhân chính là do dòng sông Mekong cạn nước, có lúc ở mức thấp kỷ lục.