Các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4 họp kín về cuộc khủng hoảng kéo dài gần 3 tháng qua ở Myanmar. Cuộc họp thượng đỉnh ra được tuyên bố mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực tại nước này, đồng thời xúc tiến những cơ chế đối thoại hòa bình giữa các bên và hỗ trợ nhân đạo tại Myanmar.
Đáng chú ý, ASEAN đã đưa ra 5 điểm đồng thuận về cuộc khủng hoảng, trong đó nhất trí "cần chấm dứt ngay lập tức bạo lực tại Myanmar và mọi bên cần kiềm chế cao nhất". ASEAN cũng thúc đẩy cơ chế đặc phái viên làm trung gian cho tiến trình đối thoại giữa các bên, với sự hỗ trợ của tổng thư ký tổ chức khu vực, đồng thời hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này. Ngoài ra, đặc phái viên và phái đoàn sẽ đến thăm Myanmar để gặp gỡ mọi bên liên quan.
Chia sẻ với VnExpress, giáo sư Alistair Cook của Trường Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, đánh giá "tiềm năng của ASEAN chỉ mới bắt đầu" với tuyên bố chung ngày 24/4.
"ASEAN đã đoàn kết để thống nhất về một bộ khung hành động. Giờ là lúc họ biến điều này thành hành động thực tế. Đây là bước khởi đầu tốt cho nỗ lực hỗ trợ người dân Myanmar", ông đánh giá.
Ông cho rằng Tuyên bố Chủ tịch ASEAN đã trình bày được những nội dung then chốt để ASEAN có thể giữ vai trò dẫn dắt, cũng như các nước thành viên cùng cộng đồng quốc tế có thể tham gia đóng góp. "Các thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế cần toàn tâm ủng hộ nỗ lực này", ông nhấn mạnh.
Chia sẻ trên trang cá nhân, chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cũng đánh giá ASEAN sử dụng "lời lẽ mạnh mẽ" đối với vấn đề Myanmar. Ông vẫn cẩn trọng nhắc rằng 5 điểm đồng thuận của ASEAN yêu cầu mọi thành viên thực hiện và ủng hộ, nhưng phần thông tin chính thức chưa nêu cụ thể thống tướng Min Aung Hlaing của chính phủ quân sự Myanmar có công khai đồng ý cùng các nhà lãnh đạo ASEAN hay không.
Theo Poling, một điểm đáng lưu ý khác trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN là ngoại trưởng các nước sẽ gặp gỡ với đại diện của Mỹ và Trung Quốc để thảo luận về cuộc khủng hoảng "càng sớm càng tốt". Các cuộc gặp dự kiến diễn ra trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 54. Chính quyền quân sự Myanmar thời gian qua đã phản đối sự can thiệp từ phía Mỹ vào tình hình chính trị nội bộ nước này. Washington cũng là thành viên cộng đồng quốc tế áp nhiều lệnh trừng phạt nhất nhắm vào tướng lĩnh và các lợi ích kinh tế của quân đội Myanmar.
Giới chuyên gia đã kỳ vọng ASEAN có thể phát huy vai trò trung gian để hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp chính trị và hòa bình cho vấn đề Myanmar. Kể từ sau cuộc đảo chính của quân đội diễn ra vào ngày 1/2, căng thẳng liên tục leo thang giữa người dân ủng hộ kết quả tổng tuyển cử năm 2020 với chính quyền quân sự do thống tướng Min Aung Hlaing đứng đầu. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Vai trò tổ chức khu vực của ASEAN đã phần nào được thể hiện với cuộc họp cấp cao đặc biệt ở Jakarta ngày 24/4. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. mô tả cuộc gặp "có cảm giác như một buổi họp mặt gia đình thân thiết về một rắc rối trong gia đình". Ông tiết lộ các nhà lãnh đạo đã chia sẻ thân tình về mối lo ngại chung của "gia đình ASEAN" đối với tình hình Myanmar.
Hunter Marston, nghiên cứu viên tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế, Trường Các vấn đề Thái Bình Dương Coral Bell thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng ASEAN đã "đóng góp một phần quan trọng cho tiến trình chính trị" ở Myanmar. "Tổ chức cần nỗ lực tiếp cận hơn nữa với 'Chính phủ Thống nhất Dân tộc' của phe biểu tình và đảm bảo quân đội Myanmar đối thoại như đã hứa".
Theo Marston, 5 điểm đồng thuận đầy bất ngờ, nhưng vẫn bỏ qua một số nội dung then chốt trong căng thẳng giữa người biểu tình với chính quyền quân sự, như vấn đề trả tự do cho tù nhân chính trị. Tuyên bố Chủ tịch ASEAN đề cập đến vấn đề này nhưng nó không xuất hiện trong các điểm đồng thuận, qua đó cho thấy các bên dường như đã thảo luận nhưng chưa tìm ra tiếng nói chung.
"Đồng thuận vẫn còn chưa rõ trong yêu cầu thiết lập đối thoại giữa các bên. Chúng ta dễ tưởng tượng đến kịch bản thống tướng Min Aung Hlaing từ chối đối thoại với Chính phủ Dân tộc Thống nhất vì quân đội vốn xem tổ chức này là trái pháp luật. Cần có nhiều hành động hơn nữa để đặc phái viên đảm bảo quân đội đối thoại thật sự", ông lưu ý.
Theo Marston, cộng đồng quốc tế có thể phần nào hy vọng quân đội tôn trọng cam kết bằng quyết định chấm dứt đổ máu. "ASEAN cần hành động nhanh chóng, giữ đà hướng đến một giải pháp chính trị. Thực tế là tình hình hiện nay rất khó để chúng ta tưởng tượng kịch bản quân đội chấp nhận nhượng bộ", ông nói.
Trung Nhân