"ASEAN+3 từng trải qua những thời điểm khó khăn như dịch SARS năm 2003, khủng hoảng tài chính năm 2008 và gần đây nhất là Covid-19. ASEAN+3 và các đối tác đã nhanh chóng kích hoạt Mạng lưới Khẩn cấp về Y tế công để điều phối, chia sẻ thông tin, kịp thời kiểm soát dịch bệnh khi mới bùng phát", Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Diễn đàn Đông Á (EAF) lần thứ 18 được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội sáng 10/12.
ASEAN+3 gồm 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra hồi tháng 11, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cam kết đóng góp 1 triệu USD mỗi nước, cùng đóng góp 300.000 USD từ Quỹ Hợp tác ASEAN+3 cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19.
Trung Quốc còn cam kết hợp tác, hỗ trợ ASEAN phát triển vaccine ngừa Covid-19, trong khi Nhật Bản hỗ trợ 50 triệu USD thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. Hàn Quốc hỗ trợ gói thiết bị, vật tư y tế 5 triệu USD giúp các nước ASEAN, ủng hộ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể và nỗ lực nối lại hợp tác thương mại, đầu tư thông qua tạo thuận lợi đi lại giữa ASEAN và Hàn Quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết dù Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, ASEAN và các nước Đông Á vẫn duy trì được cam kết mở rộng hợp tác kinh tế thông qua ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37.
Với gần 2,2 tỷ người, chiếm gần 30% dân số thế giới và quy mô kinh tế 27.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn cầu, RCEP dự kiến tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, đồng thời gửi thông điệp tới toàn thế giới và khu vực về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cảnh báo về "con đường rất gập ghềnh phía trước" đối với mọi nền kinh tế. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 ước tính tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm nay là -0,3%, so với 4,8% năm 2019.
Tại diễn đàn, các đại biểu ASEAN+3 cũng chia sẻ những khó khăn và thách thức mà Covid-19 gây ra.
"Covid-19 tạo ra những nguy cơ và bất trắc trên toàn thế giới, khiến các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và thay đổi hành vi tiêu dùng", Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan Phairush Burapachaisri nói. "Rất nhiều doanh nghiệp Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và bán lẻ đã chịu tác động nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa vì Covid-19".
Tan Lanin, phó cục trưởng Cục Chính sách Tài khóa và Kinh tế Vĩ mô, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, cho biết cũng như nhiều nước trong khu vực, Campuchia chịu tổn thất nghiêm trọng về xuất khẩu và du lịch, hai lĩnh vực chiếm tới 50% và 15% GDP của nước này. Ước tính, tăng trưởng kinh tế của Campuchia giảm từ 7,1% năm 2019 xuống còn 2,3% năm 2020.
Các đại biểu nhất trí rằng tác động tiêu cực của Covid-19 gây ra những rủi ro lớn hơn với hệ thống thương mại đa phương, tài chính và kinh tế khu vực.
Để đối phó với tác động lâu dài của đại dịch, các đại biểu khuyến nghị ASEAN+3 cần tăng cường sử dụng hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 nhằm giải quyết khả năng thiếu hụt lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong các tình huống khẩn cấp.
ASEAN+3 cũng cần khuyến khích trao đổi các thông tin về sản xuất và trao đổi thương mại cùng vật tư y tế thiết yếu để hỗ trợ triển khai Kho Dự phòng Vật tư Y tế ASEAN đối phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, các nước trong khu vực cần khuyến khích phát triển kinh tế số an toàn, bền vững, giới thiệu các giải pháp làm việc thông minh, tăng cường thương mại điện tử, sản xuất thông minh, kích thích đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy năng lực cạnh tranh.
Khánh An