"Các đơn vị phòng không tại Nagorno-Karabakh đã hạ một cường kích Su-25 ở hướng đông bắc. Phi cơ thuộc biên chế không quân Azerbaijan, bị bắn rơi khi hoạt động dọc tuyến biên giới dưới sự yểm trợ của tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan cho biết hôm nay.
Quân đội Azerbaijan phủ nhận thông tin. "Tuyên bố về vụ bắn hạ cường kích Su-25 Azerbaijan là lời nói dối trắng trợn. Chúng tôi không dùng chiến đấu cơ và tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo", Bộ Quốc phòng Azerbaijan ra thông cáo cho hay.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Yerevan và Baku liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
"Lực lượng Armenia không tuân thủ thỏa thuận nhân đạo khi nhiều lần tập kích các vị trí của chúng tôi tại vùng Aghdere-Aghdam và Fizuli-Jabrail, cũng như tiếp tục pháo kích vùng Goranboy, Terter và Aghdam. Các binh sĩ đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công của đối phương", Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm nay ra thông cáo cho biết, thêm rằng họ đã phá hủy một xe tăng T-72 và ba tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad của Armenia.
Yerevan bác bỏ cáo buộc, đồng thời cho rằng Baku vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. "Quân đội Azerbaijan đang pháo kích dữ dội ở mặt trận phía nam. Đối phương đã hứng chịu tổn thất nặng về người và khí tài quân sự", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan cho hay.
Chính quyền thân Armenia tại vùng Nagorno-Karabakh khẳng định đã gây thiệt hại nặng cho lực lượng Azerbaijan, thêm rằng những chiến dịch quân sự vẫn đang tiếp diễn tại khu vực Hadrut. Phóng viên AFP ở thị trấn Barda của Azerbaijan và thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh đã nghe thấy nhiều tiếng pháo từ hướng thị trấn Hadrut.
Lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh có hiệu lực từ 12h ngày 10/10 (15h giờ Hà Nội). Thỏa thuận đạt được sau cuộc đàm phán kéo dài 11 giờ giữa ngoại trưởng hai nước tại Moskva do Bộ Ngoại giao Nga làm trung gian. Tuy nhiên, hai bên đã cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn chỉ vài phút sau khi thời điểm thực thi.
Nagorno-Karabakh là tỉnh phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân cư là người Armenia, luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Tranh chấp quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh bùng phát thành cuộc chiến 6 năm giữa Azerbaijan và Armenia từ tháng 2/1988 tới tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh và vùng lân cận nổ ra từ hôm 27/9 là một trong những xung đột nghiêm trọng nhất suốt nhiều năm qua. Chiến sự kéo dài suốt nhiều ngày, khiến hơn 400 binh sĩ và dân thường hai phía thiệt mạng.
Vũ Anh (Theo AFP)