Chính phủ Armenia hôm nay cho biết Thủ tướng Nikol Pashinyan đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nagorno-Karabakh và "nhấn mạnh" tầm quan trọng của việc Moskva hành động để chấm dứt tình trạng này.
"Hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã được đề cập", theo thông báo từ chính phủ Armenia.
Điện Kremlin cho biết Armenia là bên đề nghị điện đàm. Hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "thực hiện đầy đủ các thỏa thuận ba bên phức tạp mà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký".
Từ giữa tháng 12, một nhóm người Azerbaijan đã phong tỏa hành lang Lachin, con đường duy nhất vào Nagorno-Karabakh từ Armenia, để phản đối cái họ gọi là hoạt động khai khoáng trái phép đang tàn phá môi trường, khiến khu vực khoảng 120.000 dân này thiếu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
Armenia cáo buộc Azerbaijan "gây áp lực kinh tế và tâm lý nhằm kích động một đợt di cư của người Armenia" khỏi Nagorno-Karabakh, mô tả đây là hành động "thanh lọc sắc tộc". Baku bác bỏ, cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và Chữ thập Đỏ vẫn đảm bảo hàng hóa dân sự được chuyển tới Nagorno-Karabakh.

Lính gìn giữ hòa bình của Nga tại hành lang Lachin ngày 27/12/2022. Ảnh: AFP
Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào những năm 1990 và năm 2020 liên quan vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh. Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu những năm 1990.
Cuộc chiến 6 tuần vào mùa thu năm 2020 giữa hai bên khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai. Xung đột kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn với Nga làm trung gian.
Theo thỏa thuận, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát tình hình nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn, hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Hồi tháng 9/2022, Armernia và Azerbaijan tố cáo lẫn nhau tập kích mục tiêu quân sự qua biên giới và cho biết gần 100 binh sĩ đã thiệt mạng.

Vị trí Hành lang Lachin nối giữa Armenia và vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Đồ họa: Guardian.
Như Tâm (Theo Reuters)