"Nếu không có điều kiện và cơ chế bảo vệ thích hợp nhằm chống lại tình trạng 'thanh lọc sắc tộc' đối với người Armenia ở Nagorno-Karabakh, khả năng ngày càng cao là họ sẽ phải di tản như cách duy nhất để bảo toàn mạng sống và bản sắc", Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 24/9 nói trong bài phát biểu trước toàn quốc.
Người Armenia chủ yếu theo Kito giáo, trong khi Azerbaijian là quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Lãnh đạo phe ly khai ở Nagorno-Karabakh nói rằng 120.000 người Armenia trong khu vực không muốn sống dưới chính quyền của Azerbaijan vì lo sợ bị "đàn áp và thanh lọc sắc tộc". Chính phủ Armenia cho biết tính tới tối 24/9, khoảng 1.050 người ở Nagorno-Karabakh đã vượt biên vào Armenia.
Nếu toàn bộ người gốc Armenia kéo tới hành lang Lachin để rời Nagorno-Karabakh sau khi vùng ly khai này đầu hàng Azerbaijian, Armenia có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo, chính trị.
Thủ tướng Pashinyan cáo buộc Azerbaijan đang áp dụng chính sách "thanh lọc sắc tộc" ở Nagorno-Karabakh, đồng thời chỉ trích lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai ở khu vực này.
"Quan hệ đối tác chiến lược với Nga là không đủ để đảm bảo an ninh ngoại vi cho Armenia", Thủ tướng Pashinyan nói thêm.
Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Quân đội Azerbaijan và lực lượng dân quân vũ trang ở Nagorno-Karabakh với sự hậu thuẫn của Armenia đã nhiều lần đụng độ đẫm máu, với đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020 khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Armenia thất thế trong cuộc chiến đó và chấp nhận ký thỏa thuận hòa bình, trong đó nước này trả lại 4 vùng lãnh thổ đang kiểm soát ở Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan. Nga, bên làm trung gian cho thỏa thuận, triển khai gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình tới hành lang Lachin nối giữa Nagorno-Karabakh với Armenia trong 5 năm. Thủ tướng Pashinyan khi đó mô tả quyết định này là "đau đớn".
Đến ngày 19/9, quân đội Azerbaijan bất ngờ mở chiến dịch "chống khủng bố" nhắm vào Nagorno-Karabakh. Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga khi đó đã không có bất cứ hành động can thiệp nào nhằm ngăn cản lính Azerbaijan, mà chủ yếu tập trung vào nỗ lực sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh.
Một ngày sau, lực lượng ly khai thân Armenia ký thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Azerbaijan, buông vũ khí và giải tán lực lượng, đồng thời chấp nhận đàm phán nhằm tái sáp nhập khu vực này vào Azerbaijan.
Azerbaijan bác cáo buộc "thanh lọc sắc tộc" từ phía Armenia, nhấn mạnh muốn quá trình tái sáp nhập Nagorno-Karabakh diễn ra suôn sẻ. Nước này khẳng định sẽ đảm bảo "lối đi an toàn" cho các chiến binh ly khai và người dân muốn rời khỏi Nagorno-Karabakh.
Nhóm ly khai cuối tuần trước bắt đầu bàn giao vũ khí cho lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Nhiều người Armenia đổ lỗi cho Moskva vì đã không bảo vệ khu vực khi Nga tập trung nguồn lực cho chiến sự Ukraine. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Đức Trung (Theo Reuters)