"Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Azerbaijan đã đồng ý ngừng bắn vì lý do nhân đạo kể từ 0h ngày 18/10 (3h giờ Hà Nội)", Bộ Ngoại giao Armenia thông báo vào đêm 17/10. Bộ Ngoại giao Azerbaijan xác nhận động thái này trong một tuyên bố tương tự.
Vahram Poghosyan, phát ngôn viên của thủ lĩnh phe ly khai ở Nagorno-Karabakh, nói với AFP: "Chúng tôi sẽ ngừng bắn trên toàn mặt trận từ nửa đêm". Ông nói rằng nếu Azerbaijan tuân theo thỏa thuận ngừng bắn, họ sẽ "mở ra một hành lang nhân đạo" cho quân Azerbaijan bị phe ly khai bao vây.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi lệnh ngừng bắn đi vào hiệu lực. Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc lực lượng Azerbaijan vi phạm khi bắn đạn pháo và rocket vào sáng sớm 18/10.
Armenia cũng cáo buộc Azerbaijan tiến hành một cuộc tấn công ở khu vực phía nam của chiến tuyến Karabakh. Diễn biến này "chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy bản chất 'nói lời không giữ lấy lời' của họ, điều chúng tôi đã đối phó trong nhiều thập kỷ", Bộ Ngoại giao Armenia cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nói rằng lực lượng Armenia vi phạm thỏa thuận, cáo buộc họ bắn pháo và đạn cối theo nhiều hướng khác nhau và tiến hành các cuộc tấn công dọc theo chiến tuyến vào rạng sáng.
Đây là lệnh ngừng bắn thứ hai Armenia và Azerbaijan thống nhất. Tuần trước, họ đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn sau khi Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan được mời tới Moskva để tham dự cuộc đàm phán kéo dài 11 giờ do Bộ Ngoại giao Nga làm trung gian. Tuy nhiên, hai bên trong tuần qua liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh này.
Thông báo mới nhất được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov điện đàm với những người đồng nhiệm Armenia và Azerbaijan, nhấn mạnh "cần tuân thủ nghiêm ngặt" thỏa thuận ngừng bắn đã được thống nhất vào tuần trước.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trước đó tuyên bố sẽ trả thù Armenia sau khi cáo buộc họ gây ra một vụ tấn công bằng tên lửa giết 13 người, bao gồm cả trẻ nhỏ, ở thành phố Ganja.
Nagorno-Karabakh là tỉnh phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân cư là người Armenia, luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Tranh chấp quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh bùng phát thành cuộc chiến 6 năm giữa Azerbaijan và Armenia từ tháng 2/1988 tới tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh và vùng lân cận nổ ra từ hôm 27/9 là một trong những xung đột nghiêm trọng nhất suốt nhiều năm qua. Chiến sự kéo dài suốt nhiều ngày, khiến hơn 400 binh sĩ và dân thường hai phía thiệt mạng.
Phương Vũ (Theo AFP)