![]() |
Thủ tướng Israel Ariel Sharon. (Ảnh: Wikipedia) |
Sứ mệnh dang dở
Ariel Sharon thường được so sánh với nhà lãnh đạo huyền thoại của Palestine Yasser Arafat, vì cuộc đời hoạt động phi thường của họ. Cả hai đều có cá tính đậm nét, đều là biểu tượng của mỗi dân tộc Do Thái và Palestine, đều hướng tới mục tiêu là hoà bình cho dân tộc mình.
Nhưng lúc Yasser Arafat còn sống và Ariel Sharon đang đảm đương quyền lực, tư tưởng lớn của hai nhà lãnh đạo nổi bật vùng Trung Đông này đã không bao giờ gặp nhau. Nền hoà bình mà cố tổng thống Palestine đề xuất phía Israel không chấp nhận, còn nền hoà bình mà Thủ tướng Ariel Sharon mô tả thì phía Palestine lại không tin.
Trong gần cả cuộc đời hoạt động đầy những biến cố, mục tiêu tối thượng của Ariel Sharon, kể cả khi còn là một vị tướng cầm quân đến khi là một thủ tướng, đều là làm sao giữ được tối đa đất đai và quyền lợi chính trị cho nhà nước Do Thái, nhưng lại chỉ cho người Palestine tối thiểu cả hai thứ này.
Sứ mệnh của Ariel Sharon là đấu tranh cho nền an ninh của Israel bằng mọi giá. Nhưng kế hoạch của ông trong việc rút người định cư Do Thái khỏi Dải Gaza và một phần khu Bờ Tây, được hoàn tất vào tháng 8/2005, đã khiến những người ủng hộ cứng rắn nhất của ông nổi giận. Đảng cánh hữu Likud do ông lãnh đạo cũng liên tục bỏ phiếu chống.
Do quyết định kiên trì với kế hoạch đổi đất lấy an ninh, cuối cùng Ariel Sharon phải rời bỏ đảng Likud vào tháng 11 vừa qua, để lập ra một đảng mới mang tên Kadima (Tiến lên). Chính đảng này được nhận định là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Israel vào tháng 3/2006.
![]() |
Tướng Ariel Sharon (phải) trên chiến trường năm 1973. (Ảnh: Wikipedia) |
Nhưng mọi chuyện có thể sẽ thay đổi hoàn toàn khi tình hình sức khoẻ của ông Sharon đột ngội tồi tệ. Cú đột quỵ nhẹ ngày 18/12 của ông gây bất ngờ cho cả bác sĩ riêng Boleslaw Goldman, người luôn khẳng định nhà lãnh đạo Israel không có vấn đề gì nghiêm trọng về sức khoẻ trong quá khứ, ngoài chuyện thừa quá nhiều cân.
Mọi chuyện vẫn chưa dừng ở đó, ngày 4/1 vừa qua, Thủ tướng Ariel Sharon hứng chịu thêm cú đột quỵ thứ hai, lần này cũng bất ngờ và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ông vẫn đang hôn mê sâu và tình trạng này sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày để tránh đột quỵ, nhưng các bác sĩ chưa thể khẳng định liệu ông có hồi phục được hay không.
Vị tư lệnh khắc nghiệt
Thủ tướng Ariel Sharon sinh tại Palestine năm 1928, khi vùng đất này còn nằm dưới quyền uỷ trị của người Anh. Khi còn trai trẻ, ông gia nhập tổ chức quân đội bí mật của người Do Thái mang tên Haganah và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến Ảrập - Israel giai đoạn 1948 - 1949, sau khi nhà nước Do Thái được sáng lập.
Trong những năm 1950, Ariel Sharon chỉ huy một loạt chiến dịch quân sự ác liệt mang tính chất trừng phạt. Một trong những chiến dịch này trở thành sự biến vào năm 1953, khi có tới 50 căn nhà trong ngôi làng Qibya bị nổ tung, làm 69 thường dân thiệt mạng. Một vụ khác năm 1955 cũng dẫn đến cái chết của 38 binh sĩ Ai Cập ở Dải Gaza.
Ông Sharon sau đó được thăng lon thiếu tướng và chỉ huy một sư đoàn trong cuộc Chiến tranh sáu ngày, tháng 6/1967. Trong cuộc xung đột ngắn nhưng cực kỳ ác liệt này, Israel chiếm đóng Đông Jerusalem, khu Bờ Tây và Dải Gaza.
Những biện pháp cai quản khắc nghiệt ở vùng đất chiếm đóng mà Ariel Sharon áp dụng đã khiến nhiều người Palestine bắt đầu coi người đàn ông này là kẻ thù không đội trời chung của họ.
Thảm hoạ Libăng
![]() |
Cảnh đổ nát của Libăng sau cuộc xâm chiếm của Israel năm 1982. (Ảnh: Ahram) |
Ariel Sharon lần đầu tiên được bầu vào quốc hội Israel (Knesset) năm 1973, nhưng từ chức sau đó một năm để làm cố vấn an ninh cho ông Yitzhak Rabin. Sau đó ông lại tái đắc cử vào cơ quan lập pháp của người Do Thái vào năm 1977.
Ariel Sharon chính là tổng chỉ huy trong cuộc xâm lăng đầy tai hại của Israel vào Libăng năm 1982. Với vai trò Bộ trưởng Quốc phòng và không hề báo trước một cách rõ ràng với Thủ tướng Menachem Begin, Sharon đã xua quân Israel từ mọi hướng đổ về thành phố Beirut. Cú đột kích quy mô lớn này kết thúc bằng việc trục xuất Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat ra khỏi Libăng.
Chiến dịch của tướng Sharon đã chấm dứt việc PLO sử dụng Libăng làm nơi mở các cuộc tấn công người Do Thái. Tuy nhiên, nước cờ cứng rắn này cũng dẫn đến cuộc thảm sát hàng trăm người Palestine của các du kích quân theo Thiên chúa giáo ở Libăng, tại hai trại tị nạn ở Beirut đang nằm dưới sự cai quản của Israel.
Chính vì những vụ trên, năm 1983 Ariel Sharon bị một toà án Israel tước các chức vụ đang có sau cuộc điều tra về cuộc xâm chiếm Libăng năm 1982. Toà án này kết tội ông phải chịu trách nhiệm gián tiếp về các vụ giết chóc dã man người Palestine.
Đình Chính (theo BBC, AP)