Ngày 20/10, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền đối với Google. Câu hỏi được đặt ra lúc này là ó phải Mỹ muốn điều tra Google về độc quyền, hay đó chỉ là một bước đi mang tính chính trị, muốn "ghi điểm" trước cuộc bầu cử của chính phủ. Liệu Apple có phải là nạn nhân tiềm ẩn lớn nhất trong cuộc chiến chống độc quyền Mỹ - Google hay không.
"Đã có sự đồng thuận về nhiều mặt giữa các công ty rằng những doanh nghiệp như Google và Facebook có quá nhiều quyền lực trên thị trường", Greg Sterling, chuyên gia của Uberall - một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực tiếp thị - nhận định. "Ngoài ra, còn có cả yếu tố chính trị. Tôi nghĩ rằng Trump muốn mọi người thấy sự cứng rắn của ông với các hãng công nghệ trước cuộc bầu cử Mỹ. Các nhà lập pháp cánh hữu dường như cũng có một phần ác cảm khi những công ty này chủ yếu nghiêng về cánh tả".
Một trong những thách thức lớn nhất của chính phủ Mỹ khi chống lại Google là sử dụng Đạo luật chống độc quyền Sherman đã có tuổi đời 130 năm. Luật Sherman được ban hành năm 1890 chống lại hành vi thông đồng và kinh doanh phản cạnh tranh. Khi đó, luật chủ yếu áp dụng cho ngành đường sắt đang phát triển vũ bão. Giờ đây, cách thức hoạt động của các doanh nghiệp cũng như cách thức cạnh tranh diễn ra đã rất khác.
Một thách thức khác là Đạo luật Sherman không đề cập rõ về kinh doanh và cạnh tranh trong kinh doanh. Năm 1993, Tòa án tối cao Mỹ từng ra phán quyết rằng, "mục đích của Đạo luật không phải là để bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường, nó là để bảo vệ người dùng".
Thế nhưng thật khó kết luận rằng quy mô hiện tại của Google gây tác hại tới người dùng. "Rất khó để chứng minh tác hại của Google tới người dùng hiện nay. Người dùng chọn Google, họ đang thích Google hơn các sản phẩm khác", Sterling nhận xét. "Nhưng cũng đồng thời, Google đang sử dụng cơ chế này để đảm bảo rằng đối thủ không thể xâm phạm quá nhiều vào lĩnh vực họ kiếm tiền".
Google được đánh giá sẽ giống Microsoft trong quá khứ. Năm 1998, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc công ty phần mềm của Bill Gates lợi dụng sự thống trị về hệ điều hành máy tính để chèn ép những phần mềm mà họ coi là mối đe dọa đối với sự bá chủ của Windows. Cuộc xung đột kéo dài 4,5 năm đã phơi bày nhiều hành vi phản cạnh tranh của "gã khổng lồ phần mềm". Cuối cùng, hãng đã dàn xếp với Bộ Tư pháp để nhận một án phạt không quá nghiêm khắc. Nhưng cũng từ đó, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của gã khổng lồ phần mềm dần suy yếu.
Nhưng trong vụ kiện nhằm vào Google, Apple lại là cái tên có thể bị tổn hại nặng nề nhất. Trọng tâm ở đây là khoản tiền 8 - 12 tỷ USD mỗi năm mà Google trả cho Apple để được mặc định công cụ tìm kiếm trên iPhone và Mac.
"Trớ trêu là phần lớn doanh thu từ mảng dịch vụ của Apple lại đến từ Google", Sterling nói. "Nếu chính phủ yêu cầu chấm dứt mối quan hệ này, nó có thể không ảnh hưởng nhiều đến Google, nhưng là đòn giáng mạnh vào kết quả tài chính của Apple thời gian tới".
Trong báo cáo tài chính quý gần nhất, Apple cho biết đã kiếm được 18,3 tỷ USD doanh thu từ mảng dịch vụ trong 12 tháng qua (kết thúc vào tháng 9 vừa rồi). Như vậy, nếu trừ đi khoảng 8 - 12 tỷ USD mỗi năm từ Google (chiếm 44 - 66%), mảng này chỉ mang về hơn 6 - 10 tỷ USD, một con số không quá lớn nếu so sánh với doanh thu của mảng thiết bị của "Quả táo".
Cuối cùng, vấn đề kiện tụng có thể liên quan đến chính trị, khi đơn kiện của Bộ Tư pháp nhằm vào Google diễn ra trong thời điểm trước thềm bầu cử. Đại diện 11 tổng chưởng lý đệ đơn đến từ các bang thân đảng Cộng hòa. "Đó có thể là vấn đề thực sự", Sterling nghi vấn.
Chuyên gia này cho rằng, Google có thể chưa phải gánh hậu quả nặng nề nhất nếu thua kiện, nhưng Apple thì có. "Gã khổng lồ tìm kiếm" có thể lập tức ngừng thỏa thuận đặt công cụ tìm kiếm trên iPhone và máy Mac một cách đơn giản, nhưng công ty iPhone sẽ thiệt hại rất lớn trong các quý tài chính tiếp theo.
Sau Google, các công ty khác tương tự nhiều khả năng sẽ vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ sau bầu cử. "Tôi nghĩ rằng, Facebook sẽ là mục tiêu tiếp theo", Sterling dự đoán.
Bảo Lâm (theo Forbes)