Theo Bloomberg, thông tin được CEO Apple Tim Cook đề cập trong cuộc họp nội bộ ở Đức với các nhân viên kỹ thuật và bán lẻ địa phương tuần này. Ông nói Apple cũng có thể mở rộng nguồn cung chip từ nhà máy ở châu Âu.
"Chúng tôi đã quyết định mua chip từ một nhà máy ở Arizona, và nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động năm 2024. Vì vậy, còn khoảng hai năm nữa sẽ đến ngày đó, hoặc sớm hơn một chút", Cook nói. "Ở châu Âu, chúng tôi cũng sẽ tìm nguồn cung mới khi mọi thứ trở nên rõ ràng".
Cook đang có chuyến công tác tại châu Âu. Dù không nhắc đến nhà máy cụ thể, Bloomberg cho rằng Cook có vẻ đang đề cập đến nhà máy ở Arizona được điều hành bởi TSMC - đối tác sản xuất chip độc quyền cho Apple. Công ty Đài Loan đã bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên và đang lên kế hoạch cho nhà máy thứ hai nhằm tăng cường sản xuất chip tại Mỹ.
Đại diện của Apple và TSMC từ chối bình luận.
Mỹ hiện khuyến khích các công ty chuyển sản xuất về trong nước. Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật CHIPS & Science Act nhằm thúc đẩy tự chủ công nghệ và sản xuất bán dẫn ở nước này. Chính sách mới cam kết dành 280 tỷ USD cho thúc đẩy khoa học công nghệ cao, với điểm nhấn là gói 52,7 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn.
Apple hiện phụ thuộc lớn vào đối tác có nhà máy bên ngoài Mỹ. Trong cuộc họp, Cook cho biết 60% nguồn cung bộ vi xử lý trên thế giới của hãng là từ Đài Loan. Theo giới chuyên gia, câu hỏi được đặt ra là liệu chip từ nhà máy ở Mỹ có đảm bảo được công nghệ mới nhất cho Apple hay không. TSMC trước đây nói nhà máy ở Arizona sẽ có công suất 20.000 chip mỗi tháng và sản xuất trên tiến trình 5 nm. Con số này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của Apple, trong khi hãng cũng đang hướng tới công nghệ chip 3 nm.
Đến nay, hầu hết các quy trình từ sản xuất đến lắp ráp sản phẩm Apple được thực hiện tại các quốc gia châu Á, như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ... Công ty cũng có một số thiết bị được xuất xưởng từ Mỹ, như các mẫu Mac Pro bán ở thị trường này do nhà máy ở Texas lắp ráp.
Bảo Lâm (theo Bloomberg)