Theo Bloomberg, công ty hóa chất Showa Denko của Nhật Bản, đơn vị cung cấp nguyên liệu chế tạo chip quan trọng của TSMC, buộc phải nâng giá nguyên liệu do tình trạng khan hiếm toàn cầu. Hideki Somemiya, CFO Showa Denko, cho biết vấn đề lớn nhất trong năm nay là việc có thể thuyết phục những khách hàng như TSMC chia sẻ gánh nặng chi phí. Ông cũng cho rằng tình hình hiện tại khó có thể cải thiện, ít nhất là đến năm 2023.
Quyết định trên gây áp lực lên các nhà sản xuất như TSMC, khiến họ cũng phải thay đổi mức giá trong hợp đồng với khách hàng như Apple. Trước đó, công ty Đài Loan cũng từng triển khai một đợt tăng đến 20% giá chip xử lý, cao nhất trong 10 năm qua.
Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng Apple cũng sẽ điều chỉnh giá sản phẩm như iPhone, iPad... để chuyển phần chi phí đội lên sang khách hàng. Theo một số nguồn tin rò rỉ, Apple vẫn giữ nguyên mức giá của iPhone 14 tiêu chuẩn nhưng thiết bị chỉ được trang bị chip A15 Bonic từ năm ngoái. Trong khi đó, hai mẫu iPhone 14 Pro và 14 Pro Max tích hợp chip A16 Bionic mới nhất, nhưng giá dự kiến đắt hơn 100 USD so với thế hệ trước.
Hồi tháng 5, hãng nghiên cứu Counterpoint cũng ước tính đồ công nghệ có thể đắt hơn 5-12% trong năm nay do các nhà cung cấp chip tăng giá. "Các công ty sản xuất điện thoại sẽ thiệt hại nặng nhất từ việc điều chỉnh giá chip. Nếu không bán đắt hơn, họ sẽ bị giảm lợi nhuận. Nhưng nếu nâng giá, người dùng sẽ e dè hơn trong việc chi tiêu và các lô hàng 5G có nguy cơ bị chậm lại", Counterpoint nhận định.
Huy Đức