Theo Taiwan News, từ đầu tháng 6, nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc đã bắt đầu tuyển dụng quy mô lớn, tăng mức lương trung bình lên 5.000 nhân dân tệ (gần 18 triệu đồng). Động thái này được cho là để chuẩn bị sản xuất iPhone mới số lượng lớn. Theo mô tả cụ thể của Foxconn, những người cam kết làm việc trên 90 ngày và đã làm đủ 55 ngày trở lên, thưởng sẽ tăng lên 6.000 nhân dân tệ (21,5 triệu đồng). Danh sách thưởng sẽ được công bố hàng tháng và phát thưởng ngay trong vòng một tuần.
"Foxconn Trịnh Châu đang rần rần 'vung tiền' để tuyển người làm việc trong nhà máy sản xuất iPhone", IT Times bình luận. Một nhà máy OEM lớn của Apple là Pegatron Thượng Hải cũng bắt đầu tuyển dụng công nhân. "Kỳ tuyển dụng lớn sẽ tìm kiếm vài nghìn nhân sự mỗi ngày, ngay cả khi công nhân phải làm việc ngày đêm, nhà máy vẫn cần lượng lớn lao động. Mức lương trung bình có thể lên đến hơn 10.000 nhân dân tệ (35,7 triệu đồng)", cơ quan tuyển dụng của Pegatron chia sẻ.
IT Times cho biết hiện tại công nhân trong nhà máy của Pegatron vẫn chưa phải tăng ca, công việc chủ yếu là lắp ráp iPhone 12, tuy nhiên, việc sản xuất thử nghiệm iPhone mới có thể đã được tiến hành.
Trước đó, Apple đã di chuyển khoảng 8 nhà máy dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam. Các đối tác của hãng đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các nhà máy mới. Tuy nhiên khi dịch bệnh diễn ra, các nhà máy ở Ấn Độ, Việt Nam đã phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ ra mắt iPhone mới của Apple vào cuối năm nay.
Ngoài việc sản xuất bị ngưng trệ, một thách thức khác với các nhà máy lắp ráp iPhone ngoài Trung Quốc là chi phí vận chuyển vật liệu điện tử đã tăng vọt. Trước đây chi phí vận chuyển một kg hàng hóa khoảng 12 nhân dân tệ, nhưng khi giao thông bị hạn chế, mức phí này đã tăng lên 38 nhân dân tệ. Chi phí hậu cần từ nhà máy nguyên liệu ở Trung Quốc sang Ấn Độ và việc các nhà máy sản xuất giảm 1/3 sản lượng là nguyên nhân trực tiếp khiến các đơn hàng sản xuất iPhone đang quay lại Trung Quốc.
Một nguyên nhân khác là khả năng liên kết chuỗi giá trị mạnh mẽ của Trung Quốc. Các thị trường mới như Ấn Độ, Việt Nam có lợi thế về lao động rẻ, ổn định nhưng chuỗi cung ứng toàn ngành vẫn còn mỏng, phải phụ thuộc vào nước ngoài.
Liên quan đến tác động của Covid-19, Canalys đánh giá dịch bệnh không còn là nút thắt chính ảnh hưởng đến năng lực sản xuất smartphone toàn cầu. Việc thiếu hụt nguồn chip mới là vấn đề thế giới cần quan tâm lúc này, mức độ ảnh hưởng có thể kéo dài trong vài năm tới.
Khương Nha (theo IT Times)