Steve Jobs, cố CEO của Apple, được gọi là thầy phù thủy của làng công nghệ. Bất kỳ ai từng theo dõi các sự kiện của Apple trước đây sẽ nhớ tới việc ông liên tục lặp đi lặp lại từ "kỳ diệu", "kinh ngạc", "tuyệt vời"... để mô tả thiết bị. Và để khiến sản phẩm thực sự kỳ diệu, Apple "kín như bưng" trước các lễ công bố, kể cả khi bị giới truyền thông và các nhà phân tích chỉ trích, chê bai.
Steve Jobs sử dụng các mỹ từ khi mô tả iPad 2010.
Cây bút nổi tiếng Adam Lashinsky của tạp chí Fortune mô tả mỗi nhân viên tại Apple, mỗi nhà cung ứng linh kiện... là một mắt xích trong chuỗi zíc zắc và chỉ một người biết cách kết nối mọi thứ lại với nhau là CEO - vai trò mà Steve Jobs trao lại cho Tim Cook từ cuối năm 2011.
Những căn phòng không cửa sổ, bị khóa trái là nơi iPhone, iPad được đem ra thảo luận. Ngay cả lãnh đạo cao cấp cỡ Phó chủ tịch cũng chỉ được mời vào để trình bày về vấn đề họ phụ trách rồi được yêu cầu rời khỏi phòng. Ít ai hình dung toàn bộ sản phẩm trông như thế nào.
Thông tin được giữ kín giữa khoảng 100 người được Steve Jobs tự tay lựa chọn. Đến ngày công bố sản phẩm, nhân viên Apple theo dõi trên TV và cũng ngạc nhiên như bao người khác dù họ góp phần làm ra nó.
Trách nhiệm giữ bí mật ăn sâu trong mỗi người. Bất cứ ai bị phát hiện đã tiết lộ một phần sản phẩm, dù vô tình hay cố ý, cũng sẽ lập tức bị sa thải. "Không chỉ bị đuổi việc, họ còn có nguy cơ gánh hình phạt cao mà các luật sư của Apple có thể đề nghị. Điều đó khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Tôi phải thận trọng trong mọi thứ mình làm. Đôi khi tôi gặp ác mộng. Tuy nhiên, điều đó tạo nên lòng trung thành trong việc bảo vệ sản phẩm", một cựu nhân viên giấu tên chia sẻ với Lashinsky.
Tim Cook cũng nhấn mạnh: "Đó là một phần trong sự kỳ diệu của Apple. Và tôi không muốn ai biết về sự thần kỳ đó bởi tôi không muốn họ sao chép lại".
Thế nhưng, kể từ khi Steve Jobs ra đi mang theo sự khắc nghiệt, những bí mật thần kỳ ở Apple cũng không còn. Một năm sau khi huyền thoại công nghệ qua đời, Apple trình làng iPhone 5 và giới phân tích nhận xét rằng điều bất ngờ nhất ở sự kiện là "Apple... không công bố điều gì bất ngờ". Mọi thông tin về iPhone 5 đều bị lộ trước đó - điều chưa từng xảy ra với hãng này, ngoại trừ sự cố bỏ quên mẫu thử iPhone 4 ở quán rượu.
Lúc ấy, nhiều người tỏ ra thông cảm vì tin rằng Tim Cook mới làm Tổng giám đốc của Apple một năm nên chưa thể kiểm soát được hết các nguồn tin cũng như các chuỗi cung ứng của Apple. Tuy nhiên, mọi thứ tiếp tục lặp lại khi thông tin về iPhone 5s và năm màu mới của iPhone 5c ồ ạt xuất hiện trên mạng. 2013 cũng được xem là năm "đặc biệt đau đớn" với Apple khi có tới 30.000 linh kiện iPhone 5c (trong đó có 19.000 vỏ máy) bị bán công khai tại chợ đen. Apple đã phải mua lại toàn bộ chúng để đảm bảo bí mật đến khi ra mắt.
Để trấn an, Tim Cook trả lời báo chí rằng sẽ tăng cường gấp đôi các biện pháp bảo mật cho những sản phẩm sắp tới của Apple, nhưng dường như vẫn không thành công.
Ngay từ giữa năm 2017, những người theo dõi tin đồn về iPhone thế hệ thứ 11 đã gần như chắc chắn Apple sẽ tung ra ba smartphone mới, màn hình không viền, không có Touch ID mà thay bằng cảm biến vân tay, bộ nhớ trong 256 GB, mức giá 1.000 USD...
Cũng chẳng cần đợi đến lễ ra mắt kéo dài mệt mỏi hơn hai tiếng đồng hồ, trong một khảo sát từ tháng 8/2017 của VnExpress, đã có tới 38% độc giả tin mẫu iPhone kỷ niệm 10 năm của Apple sẽ có tên iPhone X. Một người dùng đã đùa vui, thứ duy nhất chưa bị lộ trên iPhone trong lễ ra mắt đêm qua của Apple chính là... hình nền điện thoại.
Có ý kiến phỏng đoán rằng những hình ảnh và thông tin bị lộ thực chất nằm trong chiến lược truyền thông "0 đồng" khôn ngoan của Apple. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng sự tò mò quá mức với iPhone đã khiến một số chuyên gia phân tích, blogger, nhà báo... sẵn sàng tìm mọi cách để moi thông tin về thiết bị mới.
Ngăn chặn rò rỉ thiết kế, linh kiện là nhiệm vụ khó khăn. Theo thống kê, có tới 2,7 triệu công nhân có hợp đồng ra vào 40 nhà máy đối tác của Apple mỗi ngày, đồng nghĩa khả năng kiểm soát toàn bộ gần như không thể. Theo IBTimes, các công nhân lấy trộm linh kiện quan trọng nhất của iPhone rồi vứt vào nhà vệ sinh. Sau đó, họ chui xuống cống rãnh và lấy lại những bộ phận này để bán cho ai cần, chủ yếu là những người chuyên tung tin rò rỉ (leaker), blogger và nhà báo. Với mỗi linh kiện bán được, số tiền họ thu về có thể nhiều hơn tổng lương làm trong suốt một năm.
Dù lý do là gì, Apple cũng đã mất đi sự bí ẩn dưới sự lãnh đạo không mấy khắc nghiệt của Tim Cook.