Theo JP Morgan, tháng 11/2022 là thời gian tồi tệ nhất với Apple khi doanh số iPhone sụt giảm do những gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Đến đầu năm nay, các vấn đề đã có dấu hiệu được cải thiện.
Apple Insider tổng hợp báo cáo từ JP Morgan và Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc cho thấy, trong tháng 11, các lô hàng iPhone trong tháng 11/2022 giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính từ tháng 9, tổng lô hàng đã giảm 31%. Thay đổi này tác động mạnh đến thị phần chung của Apple tại Trung Quốc, mức giảm trung bình khoảng 2%. Tuy nhiên, con số này không quá cao nếu so với mức giảm 34% của toàn thị trường smartphone Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân chính là ảnh hưởng Covid-19 và các biện pháp phòng chống dịch. Khủng hoảng tại nhà máy của Foxconn cũng góp phần dẫn đến sự suy giảm.
Theo Apple Insider, hai tháng trước, iPhone 14 đã giúp Apple giành được thêm khoảng 1% thị phần từ các đối thủ, bất chấp doanh số bán hàng thấp hơn cùng kỳ 2021. Vào tháng 9/2021, thị phần Apple tại quốc gia tỷ dân là 21%, còn sang năm 2022, con số này tăng lên thành 22%. Tuy nhiên, đến nay thị phần của hãng chỉ còn khoảng 20,1%.
Do vấn đề về sản xuất và khó khăn kinh tế, TrendForce đã hạ dự báo về doanh số của iPhone trong quý đầu tiên năm 2023 xuống còn 47 triệu máy, thấp hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau những bất ổn tại nhà máy Foxconn, Apple bắt đầu đa dạng hóa đối tác sản xuất dòng iPhone Pro khi đặt hàng Luxshare và Pegatron. Trong 2022, Foxconn chiếm 70% sản lượng iPhone toàn cầu. Họ sản xuất 80% số iPhone 14 và 14 Plus, cũng như 100% số iPhone 14 Pro và Pro Max. Theo nhà phân tích Ming-chi Kuo, hai công ty Luxshare và Pegatron sẽ bắt đầu nhận đơn hàng lắp ráp iPhone 14 Pro và 14 Pro Max với số lượng khoảng 10% từ cuối tháng 12/2022. TrendForce cho biết, đây sẽ là đợt chạy thử của Apple nhằm đa dạng hóa đối tác sản xuất iPhone.
Khương Nha (theo Apple Insider)