Theo Nikkei Asia, dây chuyền sản xuất iPad của Apple chỉ hoạt động với 50% công suất so với kế hoạch trong hai tháng qua. Bên cạnh đó, các linh kiện vốn dành cho iPhone đời cũ cũng được ưu tiên cho smartphone thế hệ mới nhất. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu chip toàn cầu đang gây ảnh hưởng nặng hơn dự kiến của Apple.
Apple chưa bình luận về thông tin trên.
iPad và iPhone đều dùng chung một số linh kiện như chip lõi, cho phép Apple linh hoạt chuyển đổi nguồn cung giữa các sản phẩm tùy diễn biến thị trường.
Apple ưu tiên sản lượng iPhone 13 một phần vì dự đoán nhu cầu với điện thoại mới cao hơn iPad trong bối cảnh thị trường dần phục hồi trong Covid-19, nhất là khi Mỹ và châu Âu chiếm 66% doanh thu hàng năm. Doanh số iPhone đời mới thường đạt đỉnh trong vài tháng sau khi ra mắt, khiến việc bảo đảm sản lượng iPhone 13 ổn định là ưu tiên lớn nhất của Apple hiện nay.
Nhu cầu mua iPad cũng ở mức cao do hoạt động học và làm việc từ xa trong đại dịch. Apple đang chiếm 32,5% thị trường máy tính bảng toàn cầu, vượt xa mức 19,1% của Samsung. Hãng công nghệ Mỹ bán được 40,3 triệu chiếc iPad trong 9 tháng đầu năm, tăng 17,83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây không phải lần đầu Apple ưu tiên iPhone hơn iPad. Năm ngoái, họ cũng đã chuyển nhiều bộ phận của iPad cho iPhone 12, nhằm bảo vệ dòng smartphone này khỏi tác động từ gián đoạn chuỗi cung ứng trong Covid-19.
Apple thừa nhận đang gặp phải nhiều giới hạn do khủng hoảng chuỗi cung ứng. Giám đốc tài chính Luca Maestri cho rằng doanh thu từ iPad trong quý IV/2021 sẽ giảm do thiếu linh kiện, trong khi CEO Tim Cook tiết lộ doanh thu quý III thấp hơn 6 tỷ USD so với kỳ vọng vì "tình trạng thiếu silicon và gián đoạn sản xuất do Covid-19".
Điệp Anh (theo Nikkei)