Bloomberg đã đăng bài điều tra nói các công ty Trung Quốc lén cài chip gián điệp nhỏ như hạt gạo vào các máy chủ Supermicro và server này được sử dụng trong hệ thống của Apple, Amazon. Tuy nhiên, các công ty công nghệ hàng đầu này đều lên tiếng phủ nhận. Trong thư gửi tới quan chức Quốc hội Mỹ, Apple tiếp tục nhấn mạnh họ không tìm thấy dấu hiệu bị xâm nhập.
Phó chủ tịch Apple phụ trách an ninh thông tin đã gửi thư tới Thượng viện và Hạ viện Mỹ, cho biết: "Các công cụ bảo mật độc quyền của Apple liên tục quét chính xác các thông tin được gửi đi nên sẽ xác định được sự tồn tại của phần mềm độc hại hay các mối nguy hiểm an ninh khác". Ông cũng nhắc lại rằng Apple không liên lạc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) như thông tin mà Bloomberg đưa.
Tương tự Apple, Amazon cũng phủ nhận các dữ liệu liên quan trong bài điều tra. "Thông tin việc Amazon biết về sự thỏa hiệp trong chuỗi cung ứng, vấn đề với chip độc hại hay thay đổi phần cứng là không đúng", đại diện công ty cho hay. "Chúng tôi cũng xem xét lại hồ sơ liên quan đến việc mua Elemental và không tìm thấy bằng chứng nào trong vấn đề chip gián điệp".
Bộ An ninh Nội địa Mỹ lần đầu đưa ra phát ngôn xung quanh báo cáo của Bloomberg, trong đó nói "không có lý do gì để không tin vào sự phủ nhận của Apple cũng như Amazon". Tuyên bố này thống nhất với thông tin mà Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh đưa ra trước đó.
Ngày 4/10, Bloomberg đăng báo cáo điều tra cho biết Trung Quốc đã dùng chip nhỏ bằng hạt gạo để xâm nhập 30 công ty Mỹ từ 2015. Trước khi xuất bản nội dung trên, báo này đã gửi thông tin đến Supermicro - nhà sản xuất bo mạch server được cho là bị cài chip gián điệp, cũng như Apple, Amazon - hai công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ có sử dụng server dính phần cứng độc hại.
Ba công ty nêu trên đều phản đối thông tin của Bloomberg nhưng báo này vẫn quyết định đăng bài dựa trên thông tin từ sáu quan chức an ninh cấp cao Mỹ, hai người của Amazon, ba nhân viên của Apple cũng như 17 người xác nhận khác. Nội dung của báo cáo lập tức gây xôn xao trong giới bảo mật, đồng thời tác động tới giá cổ phiếu của các công ty liên quan.
Từ lâu Mỹ và nhiều quốc gia khác đã lo ngại về gián điệp Trung Quốc thông qua các thiết bị công nghệ. Với vai trò là công xưởng của thế giới, rất nhiều sản phẩm thương hiệu quốc tế nhưng được gia công tại đây, đặt ra những lo ngại về bảo mật. Cơ quan an ninh Mỹ đã ra khuyến cáo với các thiết bị điện tử Trung Quốc, trong khi đó Australia hay Nhật Bản từ chối dùng thiết bị mạng của các công ty Trung Quốc cho hạ tầng quốc gia.