![]() |
Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, trò chơi “mèo vờn chuột" giữa các chuyên gia bảo mật và hacker khiến cho thị trường bảo mật trong khu vực này có mức tăng 7,5% hồi năm ngoái, đạt 1,43 tỷ USD. Chỉ tính riêng nửa cuối năm ngoái, thị trường bảo mật đã tăng 755 triệu USD so với cùng kỳ năm 2009. Những khu vực tấn công mới của hacker là điện toán đám mây và ảo hóa. Bên cạnh đó, cách sử dụng mạng xã hội không đúng cũng là nguyên nhân dễ bị tấn công.
Một nhà phân tích của IDC cho biết, thông tin quan trọng của công ty có thể bị rò rỉ hay bị đánh cắp do kết nối hệ thống và sử dụng mạng xã hội không đúng cách. Ngoài ra, các tổ chức còn phải đối mặt với sự gia tăng hiểm họa đến từ các lỗi zero-day mà tin tặc thường sử dụng để tấn công.
Các nguy cơ bảo mật thường xuyên đe dọa như gian lận danh tính sẽ tiếp tục phát triển. Tệ hơn nữa, các tổ chức có thể trở thành mồi nhử khiến nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác hơn sập bẫy. Trong một thế giới kết nối như hiện nay, các khách hàng lẫn đối tác dù ở các tổ chức khác nhau đều bị ảnh hưởng liên đới cùng với nhau. Để khắc phục, các tổ chức cần có chiến lược bảo mật và đưa ra nhiều cách để ứng phó nhằm giảm rủi ro và thiệt hại đến mức thấp nhất có thể. Và nên nhìn rõ loại thông tin nào cần xử lý và ai có quyền truy cập thông tin đó. IDC cũng cảnh báo ảo hóa và điện toán đám mây là cuộc chiến mới trong hệ thống mạng.
IDC dự báo công nghệ điện toán đám mây và ảo hóa sẽ nằm trong chiến lược phát triển dài hạn nhằm có thể tối ưu hóa chi phí quản lý trong thị trường phần mềm bảo mật. IDC nhận định quản lý tự động hóa và tập trung hóa sẽ là cách thức mà các tổ chức hướng đến. Hiện đã có một số giải pháp, chẳng hạn phần mềm bảo mật dựa trên đám mây, và môi trường ảo hóa cũng có những giải pháp tương tự.
Những công nghệ mới dành cho hạ tầng viễn thông như 3G và sắp tới là 4G, hiện là những mối đe dọa mới cho bảo mật truy cập từ xa. Những chiếc điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet) đang hỗ trợ 3G và 4G cũng là những thách thức mới cho các nhà cung cấp giải pháp bảo mật, đặc biệt với người dùng là các doanh nghiệp.
IDC hy vọng các công ty tiếp tục tích hợp những công nghệ bảo mật mới để có thể phòng vệ trước sự thâm nhập và tấn công của mã độc (malware). Song song đó, các giám đốc công nghệ cần đánh giá và cập nhật những giải pháp bảo mật mới nhất. Với những vấn đề được nêu ra thì thị trường phần mềm bảo mật sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
IDC cho hay thị trường quản lý truy cập và nhận diện (IAM) và quản lý thâm nhập từ bên ngoài (SVM) sẽ tăng trưởng mạnh nhất đến 17%, lần lượt đạt 375 triệu USD và 161 triệu USD trong năm nay. Thị trường quản lý mối đe dọa và bảo mật nội dung sẽ tăng 13,3%, đạt 1,06 tỷ USD cũng trong năm 2011.