"21 nền kinh tế thành viên đang nâng cao sức cạnh tranh để hội nhập kinh tế sâu rộng trong khu vực. Vấn đề đặt ra là cần phải cải tiến, đổi mới thủ tục hải quan và thủ tục có liên quan tại biên giới cũng như hải cảng, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế", Phó Tổng thư ký Tổ chức hải quan thế giới (WCO) Kunio Mikuriya, nhấn mạnh.
Đây cũng là công việc mà APEC đã triển khai từ đầu những năm 1990 để hợp tác chặt chẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp bằng cách đơn giản và hài hòa hóa hải quan, dựa trên các chuẩn mực của WCO. Tuy nhiên cho đến nay, hiệu quả của việc cải cách hải quan vẫn chưa được mạnh mẽ. Nhiều đại biểu thành viên APEC đề nghị tiếp tục tăng cường thúc đẩy, xây dựng các chuẩn mực an ninh trong giao lưu thương mại khu vực, chống hàng giả, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ...
Thảo luận bên lề Đối thoại hải quan - doanh nghiệp. Ảnh: Sinh Đàm. |
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng hải quan VN cho rằng, khung chuẩn mực này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự luân chuyển của hàng hóa xuất nhập khẩu được an toàn và hiệu quả. Trong đó nhân tố quan trọng để đảm bảo an ninh dây chuyền cung cấp cho khu vực kinh tế tư nhân là những chủ thể kinh tế được ưu tiên.
SOM3 chốt lại 7 vấn đề nóng
Hôm nay, Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 đã chính thức diễn ra tại Đà Nẵng. 5 nhóm sẽ họp trong ngày là Chỉ đạo về thương mại điện tử giao dịch kinh doanh không giấy tờ; Tiểu ban thủ tục hải quan; Hội thảo của tiểu ban tiêu chuẩn và hợp chuẩn; tiểu nhóm bảo mật thông tin cá nhân...
Đối với kinh tế, thương mại, SOM3 sẽ thảo luận chi tiết Kế hoạch hành động thực hiện lộ trình Busan dựa trên dự thảo khung kế hoạch hành động đã được thông qua tại SOM2 hồi cuối tháng 5 ở TP HCM. Kế hoạch này phải được hoàn thiện để thông qua tại hai Hội nghị SOM tổng kết (CSOM) và Liên bộ trưởng Ngoại giao - kinh tế (AMM) trong tuần lễ cấp cao vào tháng 11 tới ở Hà Nội.
Hội nghị lần này dự kiến thông qua những dự thảo Biện pháp mẫu về các Thỏa thuận thương mại tự do khu vực và song phương (RTAs/FTAs) trong lĩnh vực như mở cửa thị trường cho thương mại và hàng hóa; nguyên tắc và thủ tục về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; các biện pháp tự vệ, thương mại dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, minh bạch hóa, mua sắm chính phủ, giải quyết tranh chấp và vệ sinh dịch tễ.
Các thành viên APEC tại SOM3 cũng thảo luận về hai hướng dẫn mẫu mới về nâng cao nhận thức của công chúng đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và loại bỏ hàng giả khỏi dây chuyền cung ứng. Các vấn đề an ninh con người, y tế, hợp tác khoa học kỹ thuật cũng tiếp tục được đưa ra thảo luận tại SOM3.
Chống tham nhũng được xem là một trong những nội dung quan trọng nhằm cải cách APEC. Dự kiến nhóm công tác về chống tham nhũng (ACT) sẽ thông qua lộ trình Hà Nội về chống tham nhũng sau các kỳ họp bên lề SOM3 để trình hội nghị cấp cao tháng 11.
Trong suốt SOM3, lịch làm việc của Chủ tịch SOM chủ nhà, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng đã dày đặc các cuộc gặp song phương với Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên. Như thường lệ trong các SOM, Thứ trưởng Phụng cũng gặp gỡ Nhóm bạn của Chủ tịch SOM (FOTC) về cải cách APEC và Kế hoạch Hành động thực hiện lộ trình Busan.
Phan Anh