Hôm nay, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC lần thứ 10 (APEC CEO Summit 10) bước vào ngày làm việc đầu tiên, với sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo 7 nền kinh tế trong khu vực.
![]() |
CEO Summit 10 khai mạc. Ảnh: T.T. |
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhận định, kinh tế khu vực APEC không những đã vượt qua được cuộc khủng hoảng hồi cuối thế kỷ trước, lấy lại phong độ vốn có của mình mà còn tăng trưởng rất khả quan. Theo Chủ tịch, một trong những nhân tố tạo nên sự năng động ấy là hợp tác ngày càng gia tăng trong APEC với vai trò trung tâm của các nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ tịch cũng tỏ rõ quan ngại về những thách thức mà các nền kinh tế khu vực đang đối mặt, như sự thất thường của giá cả nguyên nhiên liệu trên thị trường quốc tế, bất ổn trong hệ thống tài chính tiền tệ, dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng về an ninh xã hội ở một số khu vực, phân hóa giàu nghèo và đặc biệt là sự đổ vỡ của vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha … Chủ tịch kêu gọi các doanh nhân cùng bày tỏ quan điểm về nhu cầu nối lại vòng đàm phán này nhằm thúc đẩy cơ chế thương mại đa phương trên phạm vi toàn cầu.
Cũng trong sáng nay, Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có diễn văn trước hơn 1.000 doanh nhân APEC về chủ đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực. Ghi nhận sự thành công của các nền kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực, ông cũng chỉ ra sự phát triển không đồng đều trong một số lĩnh vực trọng yếu. “Do sự non yếu về kinh tế và kỹ thuật, thiếu các phương tiện cũng như tài chính để nắm bắt cơ hội phát triển và đẩy lùi rủi ro từ bên ngoài, một số nền kinh tế kém phát triển vẫn chưa thể được hưởng những lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa một cách công bằng và bình đẳng như các thành viên APEC khác. Đó là chưa kể tới những nguy cơ mới như khủng bố, thiên tai và bệnh dịch. Thu hẹp khoảng cách để cùng nhau phát triển vẫn là những thách thức lớn đối với chúng ta”, ông nói.
Theo vị lãnh đạo Trung Quốc, cần thiết phải tăng cường hơn nữa các hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà không đi kèm bất cứ điều kiện nào cho các nước đang phát triển, đặc biệt là hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật trong hàng loạt các lĩnh vực.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chia sẻ những kinh nghiệm phát triển trong quá trình đổi mới gần 30 năm qua của Trung Quốc. Nếu như năm 1978, GDP của Trung Quốc mới đạt 216,5 tỷ USD thì đến 2005, con số này là hơn 2.230 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 9,6%.
Trong 2 ngày làm việc của CEO Summit 2006, sẽ có tất cả 15 phiên thảo luận với hàng loạt chủ đề quan trọng như thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển khu vực APEC, những cơ hội và thách thức đến từ nền kinh tế thế giới ngày nay, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và về kế hoạch thành lập khu mậu dịch tự do APEC (FTAAP)… Diễn giả chính của các phiên thảo luận là lãnh đạo một số tập đoàn nổi tiếng thế giới như ông William Rhodes, Phó chủ tịch cao cấp tập đoàn Citigroup kiêm Giám đốc điều hành Citibank; ông Michael Ducker, Chủ tịch tập đoàn FedEx; Phó chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc Nghiên cứu và Hoạch định chiến lược của Microsoft Craig Mundie…
CEO Summit là một sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, bên cạnh hội nghị cấp cao các lãnh đạo APEC. Đây là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, doanh nhân, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu chia sẻ những kinh nghiệm, kiến nghị và đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp trong khu vực và giữa khu vực APEC với toàn thế giới.
T.T.