Theo Ban Thư ký APEC 2006, SOM3 là phiên họp quan trọng nhất trong các SOM từ trước đến nay. Mọi vấn đề đã bàn trong các SOM trước phải được các thành viên thống nhất tại SOM3, trước khi trình lên Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tại Hà Nội.
SOM2 tại TP HCM hồi tháng 5. Ảnh: P.A. |
Dự kiến có khoảng 1.500-1.800 quan chức cao cấp từ 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ tham dự SOM3. Hơn 30 cuộc họp nhóm trong khuôn khổ SOM3 cũng được tổ chức trong thời gian này.
Hầu hết các tiểu ban như Nhóm chỉ đạo về thương mại điện tử và giao dịch kinh doanh không giấy tờ; Tiểu ban thủ tục hải quan; Tiểu ban tiêu chuẩn và hợp chuẩn; Nhóm lưu chuyển doanh nhân bằng thẻ business... đã phải "lên lịch" với rất nhiều cuộc họp riêng, nhằm đi đến kết luận cho tuyên bố cuối cùng để trình ra cuộc họp thượng đỉnh 2 tháng sau.
Cuối SOM2 diễn ra hồi tháng 5 tại TP HCM, 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thống nhất ra tuyên bố chung, thúc đẩy vòng đàm phán Doha; nâng cao năng lực để thực hiện lộ trình Busan và phát triển bền vững giảm chênh lệch trình độ giữa các nền kinh tế thành viên.
Các cuộc họp nhóm trong khuôn khổ SOM2 cũng đã giúp những tiểu ban thảo luận về việc đề cao kinh tế tư nhân; dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong tiến trình hội nhập đa phương phi thương mại, trong đó thẻ doanh nhân đi lại tự do trong khu vực là một nỗ lực nổi bật của các thành viên.
Sáng ngày 7/9, Hội nghị Bộ trưởng tài chính lần thứ 13 sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Cuộc họp tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến chủ đề chính sách về nguồn thu ngân sách. Đồng thời các Bộ trưởng sẽ đối thoại với đại diện khu vực tư nhân (Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC-ABAC) về một số vấn đề liên quan đến các vấn đề về cải cách khu vực tài chính.
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế thương mại và Ngoại giao tổ chức tại Canbera - Australia. Đây không phải là một tổ chức mang tính ràng buộc cao như WTO hay ASEAN, mà là một diễn đàn có tổ chức chặt chẽ phục vụ cho hoạt động hợp tác và đối thoại kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
21 thành viên APEC gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam, Nga và Peru. |
APEC có 21 nền kinh tế thành viên với 2,5 tỷ dân, gồm cả hai khu vực kinh tế mạnh và năng động nhất thế giới là Đông Á và Mỹ (gồm Mỹ, Canada và Mexico).
Trong mười năm đầu tồn tại, các nền kinh tế thành viên APEC đã đóng góp gần 70% cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu.
Phan Anh - Hồng Anh