Cô đến khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y Dược TP HCM khám, được chẩn đoán áp xe nhọt cụm. Bác sĩ chỉ định rạch, dẫn lưu mủ, điều trị bằng kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng. Đồng thời yêu cầu bệnh nhân giữ da sạch, khô, không tiếp xúc với nước hoặc các chất tạo kích ứng, thay băng mỗi ngày 1-2/lần và tái khám khi cần thiết đến khi lành bệnh hẳn.
Tương tự, ông Minh, 66 tuổi, có tiền căn tiểu đường, tăng huyết áp, song tự thực hiện bóp, nặn nốt mụn ở lưng tại nhà. Sang thương không đỡ nên bệnh nhân ra hiệu thuốc mua cao dán (không rõ nguồn gốc) với lời tư vấn giảm viêm, gom cồi mụn. Sau dán, nốt mụn càng viêm tấy, chảy mủ, khiến ông sốt, đau nhức nhiều hơn. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ông Minh được chẩn đoán viêm quầng, được rạch, dẫn lưu mủ, chỉ định dùng kháng sinh và hướng dẫn chăm sóc, thay băng tại nhà.
Theo ThS.BS Thái Thanh Yến, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông, tổn thương viêm lan rộng ra xung quanh, gây ra bởi tụ cầu vàng. Biểu hiện ban đầu là xuất hiện các nốt sẩn đỏ ở nang lông rồi to dần lên trong 2-4 ngày, trên đầu nốt nhọt xuất hiện ngòi mủ. Trong đó, nhọt cụm là một áp xe trong da gây ra bởi vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Còn viêm quầng là một bệnh truyền nhiễm hay gặp, da và mô dưới da bị nhiễm khuẩn, nguyên nhân hay gặp nhất là Streptococcus nhóm A ( liên cầu nhóm A) gây ra. Đường vào vi khuẩn thường do các vết thương, xước, vùng da không lành. Người bệnh thường có hội chứng nhiễm trùng và các tổn thương da và mô dưới da đặc trưng.
Cả hai tình trạng viêm, nhiễm này đều thường được bác sĩ chỉ định điều trị bằng kháng sinh và rạch, dẫn lưu mủ.
Theo bác sĩ Yến, việc tự ý chích, nặn mụn để lấy cồi ra là không nên, bởi khi thực hiện trong điều kiện không vô trùng hay không xác định rõ mức độ sang thương, sẽ vô tình đẩy một số chất chứa bên trong các nốt mụn vào sâu trong da. Từ đó khiến quá trình viêm nhiều hơn, tình trạng mụn càng nặng, nguy cơ xuất hiện ổ viêm ở những vùng lân cận.
Ngoài ra, tự ý chích, nặn mụn khả năng để lại sẹo rỗ và vết thâm lâu dài, không thể hồi phục hoàn toàn như ban đầu. Với cơ địa người bệnh suy giảm miễn dịch đi kèm như đái tháo đường, suy thận, ung thư..., việc tự ý nặn mụn có nguy cơ nhiễm trùng cao, diễn tiến nặng hơn do vi trùng đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Khi bị các vấn đề về mụn, người dân không nên tự ý bóp, nặn. Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được đánh giá sang thương lâm sàng, tiền căn và mức độ bệnh nhằm có biện pháp điều trị thích hợp.
Để ngừa mụn, bác sĩ Yến khuyến cáo mọi người cần chăm sóc và vệ sinh da sạch hằng ngày. Hạn chế sử dụng các sản phẩm có khả năng gây bít tắc nang lông và chống nắng đầy đủ. Đồng thời, điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm nhiều chất xơ, chất chống ô xy hóa. Không hút thuốc, hạn chế rượu, bia; không dùng các chất kích thích để bảo vệ sức khỏe và làn da.
Mỹ Ý