Trong nắng sớm một ngày đầu tháng 9, bà Bích Thủy, 64 tuổi, ở đường Điện Biên Phủ, Hà Nội, ngồi trên xích đu, vừa đan len vừa canh cho bốn con vịt tắm nắng. Những con vịt lông vàng óng được bà đặt tên là Không đi, Khẩu trang, Khoảng cách và Khai báo.
Bà Thủy và đàn vịt con là minh chứng của một trào lưu đang rộ lên thời gian gần đây ở Việt Nam: Mua trứng về ấp, lấy vịt con nuôi làm thú cưng.
Không ai biết phong trào này xuất phát từ bao giờ, nhưng nhiều người tin nó manh nha từ các đợt giãn cách năm ngoái, khi một số gia đình mua trứng lộn về tích trữ nhưng quên ăn và những chú vịt bất đắc dĩ ra đời.
Năm nay, khi giãn cách xã hội kéo dài, các gia đình chủ động ấp và nuôi vịt. Chưa có thống kê về số gia đình nuôi vịt con tại gia nhưng phóng viên VnExpress khảo sát hơn chục người, họ đều cho biết "có rất nhiều bạn bè đang nuôi thú cưng là vịt".
Chị Phương Thảo, con gái bà Bích Thủy chia sẻ, nhiều người bạn của chị bắt đầu nuôi vịt kể từ khi Hà Nội ban bố các lệnh giãn cách. Tại một khu chung cư, chỉ riêng một tầng với 12 căn hộ đã có 4 nhà ấp nuôi. "Một chị bạn phải canh con mèo vì nó suốt ngày rình vồ vịt. Có chị bạn khác ấp được bầy vịt thì chú chó tên Tiny nhà chị lại trở thành mẹ của chúng", chị Thảo kể.
Chị Nguyễn Thắm ở Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Ít nhất 5 gia đình thấy nhà tôi nuôi vịt vui quá cũng làm theo. Cả ông bà già và thanh niên độc thân cũng rủ nhau ấp vịt".
Phong trào mua thú cưng, vật nuôi để khuây khỏa và cân bằng tâm lý trong những ngày phong tỏa từng rộ lên ở nhiều nước. Chó, mèo không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều người tìm đến các loài gia cầm. Trào lưu thuê gà mái tăng vọt ở Mỹ, Canada và Anh trong đại dịch. Theo tạp chí National Geographic, một số công ty chăn nuôi ở Mỹ ghi nhận số lượng người thuê gà mái tăng gấp đôi.
Một số chủ nhân đàn vịt cho biết, họ chọn loài vật này bởi tỷ lệ ấp nở thành công cao và quá trình ấp đơn giản. Thông thường, các gia đình mua trứng vịt lộn sống ngoài chợ. Bà Bích Thủy mua 5 quả trứng, đặt vào thùng carton, rải trấu trên và dưới, rồi phủ khăn mỏng lên, sau khoảng chục ngày thì được 4 con vịt.
Với gia đình chị Hương Giang ở quận Thanh Xuân, việc nuôi vịt làm pet đơn giản hơn tìm nuôi một con vật nào khác giữa mùa dịch. Chị mua trứng lộn về giao cho con gái Ngọc Thư, 12 tuổi, tự ấp. Sau 11 ngày, các chú vịt tự đạp vỏ, chui ra.
Ấp nở ra vịt không khó nhưng nuôi khá nhiều vấn đề. Anh Nguyễn Khắc Thức ở Đồng Hới, Quảng Bình, chủ nhân của 5 chú vịt cho biết, ngày đầu, anh không biết phải cho ăn thế nào. Cơm chúng không chịu, anh giã nát bánh gạo cho ăn thì dính miệng, phải cấp cứu bằng nước. Anh mớm cả sữa cho chúng. "Nhưng hóa ra ngày đầu vịt nở không cần ăn", anh nói.
Được ba hôm, 5 con vịt bắt đầu ăn nhiều hơn, những rắc rối khác kéo đến. Anh Thức đi đâu, chúng bám theo đấy, chốc chốc lại đánh dấu bằng một bãi phân. "Tôi đành phải chuẩn bị sẵn giấy, chúng ị ra là lau. Nhưng với tốc độ lớn như thổi, cuối cùng phải nuôi chúng dưới gara", anh chia sẻ.
Để tránh vết xe đổ của anh Thức, trong căn chung cư ở quận Phú Nhuận, TP HCM, gia đình anh Tùng Lâm dành riêng một toilet làm nơi nuôi 8 con vịt. Hiện tại mỗi con đã được hơn một lạng nên anh chuyển ra ban công nuôi để chúng được tắm nắng.
Bỏ qua một số phiền toái, những chú vịt đã thực sự mang lại niềm vui cho các gia đình trong mùa dịch.
Với bà Thủy, mấy chú vịt đã là thành viên chính thức trong gia đình, có điều Phương Thảo bị mẹ cho "ra rìa". Có đợt mấy ngày liên tục, chị phải ăn trứng chỉ vì bà Thủy lấy vỏ cho "đàn vịt tập rỉa". Người phụ nữ 64 tuổi ngày ngày dành thời gian cho chúng ăn, hai lần cho đi bơi và thay đồ. Ngay cả ban công của Thảo cũng bị đàn vịt chiếm đóng. Ba hôm trước đi tiêm vaccine về, bà chuẩn bị một đĩa lá tía tô ăn để phòng sốt. Đang ăn tự dưng bà buông đũa, nói: "Thôi, để dành tí giã xoa vào cổ cho các em vịt tránh bệnh rụng lông".
Chị Nguyễn Thắm cho biết, từ khi nuôi vịt, hai con 4 tuổi và 9 tuổi giảm hẳn thời gian xem thiết bị điện tử. Các bé hào hứng tìm hiểu quá trình một chú vịt ra đời và học được tính trách nhiệm trong quá trình chăm sóc loài gia cầm này. Ông xã cũng chăm chỉ tìm thêm các loại đồ ăn, dành thời gian rảnh quây cho chúng một ngôi nhà mới trên sân thượng. Chị Thắm đi xin cát về trộn lẫn bột thông tắc vệ sinh để lót cho cho sạch sẽ. Khi đi chợ, chị lưu chú ý xin ít đầu tôm về cải thiện bữa ăn cho thú cưng.
"Sau mùa dịch này, chắc chắn nhà mình sẽ nuôi thêm một số con vật khác để gia đình gắn kết và có thêm nguồn thực phẩm thay thế khi không đi chợ", chị chia sẻ.
Phan Dương