Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, bão có sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật cấp 10; gây mưa với lượng từ 40-80 mm, có nơi trên 120 mm cho khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định.
Trong hôm nay, bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h. Đến 1h ngày 24/9, bão ở trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp.
Những giờ tiếp theo, bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/h, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 24/9, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào, sức gió mạnh nhất 50 km/h, cấp 6, giật cấp 8.
Đài khí tượng Nhật Bản cho biết bão vừa hình thành mạnh 65 km/h, hoàn lưu của bão đã ảnh hưởng tới đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Đài Hong Kong thông tin bão hiện mạnh 55 km/h, bão sẽ quét qua một phần đất liền Quảng Ngãi, tâm bão đi vào Đà Nẵng.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, cho biết vị trí bão hình thành ở ngay sát bờ nên mức độ nguy hiểm lớn hơn. "Bão có tốc độ di chuyển rất nhanh, chỉ còn chưa đến 24h tới sẽ đi vào bờ", ông Năng nói và khuyến cáo các địa phương đề phòng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây khu vực giữa biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4 m. Vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4 m.
Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực nam biển Đông gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3 m.
Từ tối và đêm nay (23/9), đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6-8, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.
Từ chiều nay đến ngày 24/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Từ ngày 24-25/9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An lượng mưa phổ biến 50-150 mm, có nơi trên 150 mm.
Quảng Nam, sáng 23/9 trời mưa lớn trên diện rộng theo từng đợt. Chính quyền cấm biển lúc 10h.
Tỉnh này có 63 tàu cá với 1.707 lao động đang hoạt động trên biển. Các tàu đã nhận được thông báo và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Chính quyền yêu cầu người dân không ở lại trên tàu thuyền, lồng bè trước 19h hôm nay. Các địa phương rà soát, chủ động sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Đà Nẵng cấm xuất tàu, thuyền rời bến từ sáng 23/9. Bộ đội Biên phòng thành phố sẵn sàng phương án sắp xếp phương tiện neo đậu tại khu vực tránh bão ở âu thuyền Thọ Quang, vịnh Mân Quang...
Đà Nẵng có 1.242 phương tiện tàu, thuyền. Trong đó, hầu hết đang neo trong bờ sau thời gian dài thành phố tạm dừng mọi hoạt động để chống dịch Covid-19 và trú tránh bão Côn Sơn vừa qua. Thành phố chỉ có 15 tàu với 112 lao động đang hoạt động trên biển, với 6 tàu cá có 49 lao động trong vùng nguy hiểm.
Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đang duy trì liên lạc với các tàu cá này và hướng dẫn di chuyển vào bờ hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Thừa Thiên Huế, tối qua (22/9), Bộ đội Biên phòng bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới. Đến hôm nay, hơn 2.000 tàu thuyền đã vào bờ, còn 37 phương tiện với 169 ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển Nam cửa vịnh Bắc bộ chưa vào bờ.
"Địa phương đã cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy hải sản", ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, nói.
Tại Quảng Ngãi, chiều 23/9, trận lốc xoáy do hoàn lưu trước bão đã làm khoảng 15 nhà xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều cây xanh bị ngã đổ.
Nhà ông Nguyễn Văn Mới bị tốc toàn bộ mái, đồ đạc hư hỏng hoàn toàn, may mắn ông kịp thoát ra. Còn ông Văn Đảm bị thương do ngói rơi trúng đầu khi đang ở trong nhà.
Mưa do bão đã gây ngập cục bộ một số nơi ven sông Vệ, huyện Tư Nghĩa và một số tuyến đường ở TP Quảng Ngãi.
Chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh đã yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu cạn tỉnh triển khai phương án ứng phó mưa bão. Việc phòng chống bão đặc biệt lưu ý các khu dân cư vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng trũng thấp, công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển đang thi công, việc neo đậu tàu, thuyền, lồng bè, gia cố nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học...