Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, sức gió mạnh nhất tâm áp thấp nhiệt đới là 49 km/h, cấp 6, giật tăng hai cấp. Dự báo, hôm nay áp thấp nhiệt đới theo hướng tây bắc, tốc độ khoảng 10 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4h ngày mai, tâm bão ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120 km về phía đông nam, sức gió mạnh nhất 74 km/h, cấp 8.
Các đài quốc tế hiện chưa phát tin về áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) cho biết, cùng lúc này phía nam đảo Đài Loan (Trung Quốc) cũng xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
"Tuy nhiên, sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới phía ngoài sẽ ngăn cản không cho khối không khí biển trên cao lấn vào, do đó làm cho áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông hôm nay sẽ đi theo hướng tây bắc", ông Hưởng nói.
Khi áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông mạnh lên thành bão cũng là lúc vùng áp thấp nhiệt đới phía trên đổ bộ vào khu vực Phúc Kiến (Trung Quốc). Lúc này khối không khí biển sẽ lấn vào, làm bão chuyển hướng tây tây bắc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ ngày mai (7/7) đến hết ngày 8/7 Bắc Bộ và bắc miền Trung sẽ xuất hiện một đợt mưa to với lượng mưa phổ biến hơn 100 mm, có nơi hơn 200 mm.
Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ 14.5 đến 19 độ Bắc; từ 110 đến 114 độ Đông.
Vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,5 đến 4,5 m.
Nếu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão thì sẽ là cơn thứ ba trên Biển Đông trong năm nay. Cơ quan khí tượng dự báo năm 2021, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (12-14 cơn), trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Nửa đầu mùa (tháng 6-9), xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở bắc và giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nửa cuối mùa (tháng 9-11) sẽ tập trung ở giữa và nam Biển Đông, ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ trở vào phía nam.