Ông Nguyễn Văn Hưởng, trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia) cho biết, sáng nay (7/7) áp thấp nhiệt đới ở ngay trên khu vực đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất 49 km/h, cấp 6, giật cấp 8.
"Trong chiều nay áp thấp sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ, nhưng không có khả năng mạnh lên thành bão và sáng mai vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ", ông Hưởng nhận định.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9.
Vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2 đến 3 m. Từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3 m.
Cơn áp thấp lần này được dự báo sẽ gây mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung bộ với lượng phổ biến mỗi đợt từ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm. Trọng tâm mưa sẽ là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và khu vực các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An.
Trong khi đó, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cũng có mưa với lượng từ 20 đến 40 mm, có nơi trên 70 mm.
Do mưa lớn nên trong nay và ngày mai, các sông suối ở Bắc Bộ, Bắc Trung bộ khả năng xuất hiện lũ. Mực nước đỉnh lũ các sông chính dưới báo động một, riêng sông Thao tại Yên Bái, sông Hoàng Long tại Ninh Bình ở mức báo động một.
Cơ quan khí tượng dự báo năm 2021, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (12-14 cơn), trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Nửa đầu mùa (tháng 6-9), xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở bắc và giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nửa cuối mùa (tháng 9-11) sẽ tập trung ở giữa và nam Biển Đông, ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ trở vào phía nam.