Thẩm phán Allison D. Burroughs ở Massachusetts hôm 14/7 bất ngờ thông báo trong một cuộc điều trần qua video rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hủy kế hoạch buộc hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài về nước nếu chỉ học online vào học kỳ mùa thu tới. Bà cho hay chính quyền Mỹ và hai trường đại học hàng đầu là Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đi đến thỏa thuận rằng sẽ quay về tình trạng như chỉ thị chính sách thiết lập hồi tháng 3 và hủy áp dụng chỉ thị chính sách đầu tháng 7.
Phiên điều trần kéo dài chỉ chưa đầy 4 phút và dù không nêu bất kỳ lý do nào, động thái đảo ngược chính sách bất ngờ này của chính quyền Trump được đánh giá là một chiến thắng lớn cho các trường đại học nhằm bảo vệ hàng nghìn sinh viên quốc tế trước sức ép tái mở cửa giữa đại dịch.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ngày 6/7 thông báo du học sinh tại Mỹ sẽ phải về nước nếu chương trình đang theo học chuyển sang dạy online 100% vào mùa thu tới. Người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất. Thay đổi trên áp dụng với nhóm sinh viên quốc tế theo học các chương trình có cấp bằng, chứng chỉ ở Mỹ đang giữ visa F-1 và M-1.
Du học sinh hiện còn ở Mỹ và đã đăng ký các môn học 100% online cho học kỳ mùa thu được yêu cầu thay đổi ngay lập tức bằng cách chuyển đến các trường có dạy trực tiếp, hoặc kết hợp hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Thông tin này khiến các trường cao đẳng và đại học cũng như sinh viên quốc tế bị sốc. Nhiều trường, trong đó có Harvard, đã thông báo kế hoạch chỉ tổ chức các khóa học trực tuyến vào mùa thu do đại dịch Covid-19.
Hơn 1,1 triệu người, trong đó có khoảng 24.000 sinh viên Việt, có thể bị ảnh hưởng, bởi chính sách mới này, dù mỗi năm đóng góp 41 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và đảm nhận hơn 458.000 việc làm ở nước này. Việc mất sinh viên quốc tế có thể khiến các trường đại học thiệt hại hàng triệu đôla học phí và gây khó khăn cho các công ty Mỹ trong việc tuyển dụng những lao động có tay nghề cao.
Quỹ Quốc gia về Chính sách Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận, cảnh báo số du học sinh ghi danh vào các trường đại học Mỹ có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ Thế giới II. Việc các lãnh sứ quán Mỹ đóng cửa, lệnh cấm đi lại và những khó khăn khác giữa đại dịch cũng sẽ góp phần khiến lượng du học sinh ở Mỹ giảm mạnh.
Chỉ hai ngày sau thông báo của ICE, Harvard và MIT đã đệ đơn kiện cả Bộ An ninh Nội địa (DHS) và ICE nhằm ngăn chặn thực thi quy định mới. Hai trường cho rằng động thái này là một phần trong chiến lược chính trị của chính quyền Trump, nhằm gây sức ép các trường mở cửa trở lại hoàn toàn vào mùa thu để cho thấy Covid-19 đã được kiểm soát ở Mỹ, dù tình hình thực tế không như vậy.
Họ nói rằng mình và các sinh viên đối mặt với "vết thương không thể bù đắp được" nếu quyết sách của chính quyền không ngừng lại.
"Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện này tới cùng để sinh viên quốc tế của chúng tôi, cũng như của nhiều cơ sở đào tạo khác ở Mỹ, có thể tiếp tục học tập mà không bị đe dọa trục xuất", Lawrence S. Bacow, chủ tịch Đại học Harvard, nói.
Sau Harvard và MIT, tổng chưởng lý của 20 bang, trong đó có Massachusetts và California, cũng đệ đơn kiện, cáo buộc chính sách trên là liều lĩnh, tàn nhẫn và vô nghĩa. Hàng chục trường đại học khác và các tổ chức đại diện sinh viên quốc tế lên tiếng ủng hộ vụ kiện.
Áp lực gia tăng hôm 13/7, khi hơn chục công ty công nghệ như Google, Facebook và Twitter cũng đứng về bên khởi kiện, chỉ trích chính sách trên gây tổn hại cho doanh nghiệp của họ. 15 nghị sĩ Cộng hòa trong quốc hội Mỹ còn ký thư yêu cầu chính quyền Trump khôi phục chính sách trước đó với sinh viên quốc tế. Phòng Thương mại Mỹ kêu gọi Bộ An ninh Nội địa rút lại "chính sách kém hiểu biết" này.
Giới quan sát nhận định Tổng thống Trump đang tận dụng Covid-19 để thúc đẩy chương trình nghị sự hạn chế nhập cư. Tháng trước, ông cũng đã dừng cấp thẻ xanh cho người nước ngoài, đóng cửa biên giới phía nam với hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép người Mỹ và thường trú nhân nhập cảnh trong khi cấm người tị nạn, đồng thời cấm hàng nghìn người nước ngoài nhập cảnh theo visa lao động.
Với quy định mới, các trường lo ngại nhiều sinh viên của họ phải ly tán khỏi gia đình ở Mỹ khi buộc quay về nước, về nơi mà họ không còn nhà. Sinh viên châu Á sẽ gặp khó khăn để đáp ứng các lớp lệch múi giờ và những nước như Trung Quốc, còn giới hạn nội dung mà người dùng Internet được phép truy cập.
Bên cạnh đó, rủi ro y tế toàn cầu sẽ là rất lớn nếu hàng nghìn người buộc phải từ Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, tỏa ra mọi ngõ ngách trên thế giới. Dù muốn, chưa rõ những học sinh, sinh viên này có thể trở về quê nhà không bởi nhiều nước còn đang đóng cửa sân bay, đình chỉ các chuyến bay và coi người về từ Mỹ là một mối rủi ro đặc biệt.
Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra, người dẫn đầu một đơn kiện riêng chống lại quy định của ICE, chỉ trích "những hành động độc đoán" của Trump đang đặt sức khỏe của sinh viên và cộng đồng vào nguy hiểm.
"Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng, chúng ta không cần chính quyền liên bang cảnh báo người Mỹ hay lãng phí thời gian và sức lực của mọi người bằng những quyết sách nguy hiểm", ông Becerra nói.
Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson cũng yêu cầu tòa án liên bang ở Seattle mở cuộc điều trần nhằm đạt lệnh tạm thời chống lại các quy định mới. Ông cho biết bang Washington sẽ thiệt hại tổng cộng 300 triệu USD doanh thu nếu quy định này được thực thi.
"Các trường đại học và cao đẳng cộng đồng của chúng ta đang cùng chung một tiếng nói. Quy định này sẽ gây tổn hại nặng nề tới sinh viên của chúng tôi, ngân sách của chúng tôi và sức khỏe cộng đồng", ông Ferguson nói trong một thông cáo báo chí hôm 13/7.
Sau khi Nhà Trắng thông báo hủy chính sách hạn chế visa trên, lãnh đạo các trường đại học đã lập tức ca ngợi quyết định này nhưng cảnh báo họ sẵn sàng để trở lại tòa nếu chính quyền có động thái khác nhằm hạn chế khả năng học trực tuyến của sinh viên quốc tế khi cần thiết.
"Đây là một chiến thắng có ý nghĩa", chủ tịch Harvard S. Bacow nói trong một thông cáo. "Chỉ thị trên đã gây gián đoạn toàn bộ giáo dục đại học Mỹ. Tôi nghe nói rất nhiều sinh viên quốc tế than thở rằng chỉ thị ngày 6/7 đã đẩy họ vào nguy cơ nghiêm trọng. Những sinh viên này, những sinh viên của chúng tôi, bây giờ có thể nghỉ ngơi thoải mái hơn và tập trung vào việc học, đó là tất cả những gì các em muốn làm".
L. Rafael Reif, chủ tịch MIT, cho rằng sự thay đổi nhanh chóng của chính quyền là bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của sinh viên quốc tế trong giáo dục, nghiên cứu và đổi mới ở Mỹ. "Những sinh viên này giúp chúng ta mạnh hơn và chúng ta làm tổn thương chính mình khi chúng ta xa lánh họ", ông nói.
Đại học Nam California (USC), một trong những trường có lượng sinh viên quốc tế lớn nhất Mỹ, cũng cho biết trong một thông cáo rằng rất vui mừng vì chính quyền đã rút lại và hủy bỏ quy định thu hồi visa của sinh viên quốc tế. USC đã dẫn đầu liên minh 20 trường đại học và cao đẳng ở Bờ Tây kiện chính quyền Trump, cho rằng sinh viên quốc tế "xứng đáng được có quyền tiếp tục việc học mà không bị trục xuất".
Hạ nghị sĩ Rodney Davis, đại diện bang Illinois, người tổ chức viết thư gửi Tổng thống Trump cùng nghị sĩ khác trong quốc hội, ca ngợi "quyết định đúng đắn" của chính quyền khi hủy bỏ kế hoạch trên. "Những sinh viên chăm chỉ đó là những người giỏi nhất và sáng giá nhất từ đất nước của họ và họ đang giúp cộng đồng của chúng ta phát triển cả về văn hóa lẫn kinh tế", ông nói.
Một quan chức cấp cao của DHS cho hay trong những tuần tới, chính quyền vẫn dự định ban hành một quy định về việc liệu sinh viên nước ngoài có thể ở lại Mỹ nếu lớp học chuyển sang online không. Một nguồn tin nói rằng Nhà Trắng tới đây sẽ tập trung áp dụng quy định mới với tân du học sinh, thay vì những sinh viên đang theo học ở Mỹ. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
"Mỹ phải tiếp tục làm rõ rằng mình chào đón sinh viên quốc tế và ghi nhận những đóng góp to lớn của họ cho cộng đồng đại học và quốc gia này nói chung", Peter McPherson, chủ tịch hiệp hội các trường đại học công và được cấp đất, nói.
Ông Rafael Reif, chủ tịch MIT, khẳng định sinh viên quốc tế, những người bị chính quyền dọa trả về nước, rất quan trọng với sự đổi mới và khả năng cạnh tranh của Mỹ.
"Là một quốc gia, khi chúng ta quay lưng lại với các sinh viên nước ngoài tài năng, chúng ta không chỉ đánh mất tất cả những gì mà họ mang đến các lớp học và phòng thí nghiệm, chúng ta còn từ bỏ một tài sản chiến lược", ông nói. "Các đối thủ cạnh tranh của chúng ta công khai ghen tỵ về khả năng chúng ta thu hút và tiếp nhận tài năng từ khắp nơi. Tôi sợ rằng chúng ta sẽ chỉ nhận ra sức mạnh chiến lược này của Mỹ một khi nó đã mất đi".
Anh Ngọc (Theo NY Times, Politico)