Là niềm tự hào của dòng họ, vào năm lớp 12, cô bé đoạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi toàn quốc môn tiếng Anh, sẽ được tuyển thẳng vào đại học với điều kiện các môn thi tốt nghiệp THPT phải đạt 6 điểm. Thật không may, hai môn Văn và Toán chỉ đạt 5.
Em sau đó phải thi vào đại học theo cách thông thường, khi chỉ còn ba tuần để ôn luyện cấp tốc. Mẹ em tìm đến các thầy giáo, gia sư tốt nhất; em bước vào cuộc đua như một vận động viên tranh huy chương vàng.
Mỗi ngày vào lúc sáu giờ chiều, cô bé mệt mỏi về nhà, việc đầu tiên là được mẹ kiểm tra những bài thầy giao dưới dạng thi thử. "Tại sao con chỉ được 5 điểm?". Những chữ số cùng lời phê màu đỏ luôn là nỗi ám ảnh. "Con chưa chăm chỉ, hay do bất cẩn?". Em kể, mẹ sẽ thường xuyên nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của việc học, vì sao phải đạt điểm cao và đỗ đại học.
Tôi nhận dạy kèm, nhưng không nhồi nhét kiến thức, không giao bài, mà chỉ khơi gợi cách tự giải quyết bài toán từ đơn giản đến phức tạp. Và tôi chỉ cho cô bé hiểu rằng, đại học là rất quan trọng, nhưng chỉ là bước khởi đầu, kiến thức là mênh mông. Kỳ thi đại học không phải là quá khó, chắc chắn cô bé sẽ vượt qua.
Nhưng mọi việc diễn ra rất khác thường. Bác em, vốn là giảng viên đại học em thi vào nên có điều kiện biết điểm trước khi hội đồng tuyển sinh nhập kết quả vào hệ thống. Người bác báo cho em biết, em thiếu nhiều điểm.
Cô bé phải gồng mình chống đỡ cú sốc thi trượt. Lúc bấy giờ, một học sinh giỏi quốc gia, thi tốt nghiệp có thể không tốt; nhưng trượt đại học là rất khó chấp nhận. Cô bé nhắn cho tôi là đang nghĩ đến cái chết, có lẽ, trong tận cùng nỗi tuyệt vọng.
Tôi đã gặp không ít học sinh phải chịu áp lực trở thành hoàn hảo: thông minh, mạnh mẽ, thành đạt, nổi tiếng. Nhiều đứa trẻ và phụ huynh không chấp nhận mình thất bại trong khi những người xung quanh đang làm rất tốt.
Là bác sĩ tôi hiểu rằng, trong cuộc đời con người, sự phát triển tâm lý phải trải qua hai giai đoạn khủng hoảng. Lần thứ nhất xuất hiện xung quanh ba tuổi. Thuật ngữ chuyên môn còn gọi là "rối loạn" hoặc "khủng hoảng tâm lý tuổi lên ba". Giai đoạn này trẻ chủ yếu tỏ ra ngoan cố, không nghe lời, quấy khóc. Lần thứ hai từ 12 đến 16 tuổi, còn gọi là "khủng hoảng tuổi vị thành niên". Ở độ tuổi này, trẻ rất nhạy cảm, dễ cáu gắt, thích nổi loạn, không chấp nhận sự áp đặt của người lớn.
Tuổi vị thành niên trẻ phải đối diện với nhiều áp lực: bắt đầu có sự cạnh tranh gay gắt giữa các bạn trong lớp, áp lực điểm số và thành tích học tập, áp lực phấn đấu vào trường danh giá, áp lực từ sự kỳ vọng của mẹ cha. Lúc này cái tôi đang dần hoàn thiện.
Trước một vấn đề, ví dụ thành tích học tập, trẻ sẽ luôn đặt ra những câu hỏi cho bản thân về năng lực học tập, phương pháp học tập, kết quả và sự trưởng thành, sự phát triển trong tương lai. Trẻ suy nghĩ rất nhiều, nhưng lại chưa chín chắn, dễ rơi vào trạng thái cực đoan, đặc biệt là khi trẻ cảm nhận đã cố gắng hết sức nhưng không tiến bộ. Những biểu hiện tiêu cực dễ thấy ở trẻ bao gồm dễ xúc động bất thường, tính tình trở nên cáu kỉnh, xuất hiện những hành vi xấu, thậm chí là tự hại bản thân.
Ngược lại với những kỳ vọng về sự hoàn hảo ở đứa trẻ, trong xã hội hiện đại, nhiều phụ huynh lo sợ con mình chịu áp lực, nên đã chủ trương để con thoải mái chơi là chính, không quan trọng việc học tập và rèn luyện để đạt thành tích tốt. Tôi cũng không đồng ý với quan điểm này. Bởi vì cuộc đời đứa trẻ rất dài, bố mẹ chỉ ở bên con cho đến tuổi trưởng thành. Khi bước vào đại học, các em sẽ phải va vấp xã hội. Lúc này bố mẹ không thể kiểm soát và giám sát. Trên con đường lập nghiệp, sẽ có rất nhiều áp lực, thậm chí là áp lực khủng khiếp. Để trẻ vượt qua những áp lực trên con đường đó thì chẳng cách nào tốt hơn là cha mẹ phải dạy trẻ "tự lái" ngay từ khi còn nhỏ.
Bản chất của áp lực là dương, nên cuộc sống luôn phải có một số áp lực. Một đứa trẻ không vượt qua nổi áp lực, sau này lớn lên, tôi tin đứa trẻ đó sẽ rất khó thành công trong cuộc sống. Nhưng có áp lực chịu được, có áp lực độc hại. Với một đứa trẻ, để dạy chúng "tự lái", cha mẹ nên biết tạo áp lực vừa phải, đủ giúp chúng kiểm soát tốt bản thân và để cha mẹ hiểu tâm sinh lý, khả năng của con nhằm đồng hành với chúng.
Cô bé học sinh của tôi, trong cái đêm cùng quẫn ấy, đang hút thuốc, bên cạnh là chai rượu. Sự có mặt của tôi khi đó, chỉ cần im lặng cũng đã là chia sẻ, giúp cô bé bình tĩnh. Em òa khóc nức nở.
Hiểu rõ năng lực học sinh mình dạy, tôi hỏi số báo danh và chờ tra cứu lại. Cuối cùng, cô bé thừa điểm đỗ đại học. Người bác xem nhầm dòng trong danh sách tổng hợp kết quả.
Học trò của tôi bây giờ trở thành một người rất thành đạt. Nhưng thứ áp lực độc hại từ gia đình và xã hội gần hai mươi năm trước suýt nữa đã cướp mất tương lai của em.
Trần Văn Phúc