Hiện nay có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề các bạn trẻ ra trường chọn công việc tạm bợ thu nhập khá đánh mất tương lai và cơ hội nghề nghiệp được đào tạo.
Tôi thấy các ý kiến khen chê này dựa trên quan điểm cảm tính cá nhân, không có cái nhìn sâu về cuộc sống. Có rất nhiều lý do dẫn đến những việc đó nhưng cuộc sống chung quy lại thì có thực mới vực được đạo, bạn không thể chuyên tâm ngồi nghiên cứu công trình khoa học hay theo đuổi đam mê khi cái bao tử cứ cồn cào mãi vì không có gì để bỏ vào bụng.
Khi đặt chân vào giảng đường đại học, ai cũng mang theo tuổi trẻ nhiệt huyết và đam mê theo đuổi nghề nghiệp của mình.
Nhưng hiện nay các đại học đang tự chủ tài chính, xét tuyển đại học bằng học bạ, chỉ tiêu tuyển sinh ngoài chính quy (lấy số lượng người theo học dưới điểm chuẩn tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu)... đã vô hình trung tạo nên một lượng lớn người học đại học chỉ cần có tiền.
Sự cào bằng chạy theo hướng số lượng đã cho ra thị trường một lượng cung quá lớn so với nhu cầu thị trường việc làm.
Bằng đại học như một món trang sức khi chạy theo hướng số lượng, các trường dân lập mở ra nhiều như nấm, các trường cao đẳng nâng cấp mình lên thành đại học, các trường đua nhau mở thêm các khoa đào tạo ngoài chuyên ngành chính.
Khắp các tỉnh thành đua nhau thành lập các trường đại học, đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm nhưng chưa thấy nơi nào có nghiên cứu hay công bố thị trường lao động cần bao nhiêu nhân lực cho ngành này, ngành kia.
Mạnh trường nào trường đó tuyển sinh đào tạo, sinh viên ra trường tự bơi theo sự cạnh tranh khốc liệt tìm kiếm việc làm. Thế nên mới có câu chuyện tuyển dụng kén cá chọn canh đòi hỏi nhân sự phải dưới 30 tuổi.
Khi nhân lực cung ứng ra thị trường quá nhiều, nhu cầu quá ít thì sẽ xảy ra tình trạng ép lương, bạc đãi phúc lợi, yêu cầu một vị trí ôm ba, bốn đầu việc nhưng mức lương thì quá thấp so với chi phí sinh hoạt cơ bản.
Nếu bạn sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế tốt, không phải lo bát cơm bỏ bụng mỗi ngày thì chuyện theo đuổi đam mê hay làm đúng chuyên ngành sau tốt nghiệp không có gì phải lăn tăn suy nghĩ. Nếu thiếu thốn đã có gia đình chu cấp tiếp.
Nhưng nếu bạn phải tự thân vận động, tự lập mọi thứ thì bạn chọn làm công ty mức lương 6-7 triệu hay sẽ chọn công việc trái ngành nghề học mức lương 8-10 triệu, đủ lo chi phí sinh hoạt hàng tháng ở thành phố đắt đỏ?
Bên cạnh chuyện sinh hoạt phí là gánh nặng thì nhiều người cổ súy cho tư duy làm giàu không khó, triệu phú tuổi 30, tự do tài chính làm cho không ít bạn trẻ mơ mộng đi theo hướng khác.
Những năm trước, các bạn sinh viên ra trường lao theo con đường môi giới bất động sản với tư duy làm giàu nhanh, môi giới thành công một hai sản phẩm nhận hoa hồng bằng lương cả năm đi làm.
Thời điểm đó, người người nhà nhà lao theo bất động sản cách điên cuồng, tôi gặp không ít những thầy cô giáo viên cũng làm nghề tay trái bất động sản.
Câu chuyện này đã thấy rõ ràng từ trước, cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều phản đối nhưng cải cách giáo dục vẫn còn đang loay hoay mãi theo năm tháng, lợi nhuận khủng từ bất động sản vẫn còn âm ỉ trong tư tưởng rất nhiều người.
Giáo dục và y tế là nền móng quốc gia, hãy sàng lọc nhân lực chất lượng để đào tạo chứ đừng chạy theo hào quang số lượng. Những doanh nghiệp đã từng tuyển dụng sẽ thấy: Một nhân sự được đào tạo hệ chính quy khác xa rất nhiều so với một nhân sự được tuyển sinh theo số lượng ngoài chính quy về chuyên môn, cách ứng xử, tư duy, nền tảng nghề nghiệp.
Khi cung - cầu lao động cân bằng, mức phí sinh hoạt được kiểm soát phù hợp với thu nhập người lao động thì sẽ hạn chế được chuyện làm trái ngành nghề học, tuyển dụng dưới 30 tuổi như hiện nay.
Tran Gia