Yasmine và Jacki, cặp vợ chồng đến từ Israel, từ lâu đã mơ ước có một bé trai. Tuy nhiên, Israel có các quy định nghiêm ngặt đối với việc lựa chọn giới tính thai nhi. Vì vậy, cặp đôi lái xe ba giờ đồng hồ từ nhà riêng ở ngoại ô Jerusalem đến Dima, một phòng khám sản khoa ở Nablus, khu vực Bờ Tây.
Tại phòng chờ, Yasmin lo lắng liếc nhìn những bức chân dung em bé trên tường, ảnh chụp các gia đình nói lời cảm ơn bác sĩ sau thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công.
Amani Marmash là giám đốc phòng khám, được đào tạo tại Anh. Bà ước tính tổ chức khoảng 20 buổi tư vấn mỗi ngày, một nửa khách hàng trong số đó giống với Yasmine. Họ hầu hết muốn có con trai để nối dõi tông đường và hỗ trợ tài chính.
"Chúng tôi muốn hai con gái của mình có em trai", Jacki, 34 tuổi, chia sẻ.
Israel hiện là quốc gia có tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm trên đầu người cao nhất thế giới. Nước này cung cấp dịch vụ miễn phí cho phụ nữ từ 45 tuổi trở xuống. Phụ nữ làm IVF sẽ được uống hormone trước khi cấy trứng và thụ tinh ngoài tử cung. Các phôi tạo thành sau đó được cấy vào tử cung.
Cũng như nhiều quốc gia khác, ở Israel, quy định để thực hiện thủ tục này rất khắt khe. Phụ nữ Israel muốn cấy phôi thai nhi nam phải có ít nhất 4 con gái trước đó. Nhưng Yasmine cho biết ở Bờ Tây, cô không bị yêu cầu gì nhiều.
Trên trang Facebook, Trung tâm Dima nhấn mạnh 99,9% cơ hội thành công trong lựa chọn giới tình thai nhi nhưng không đề cập trong thực tế, tỷ lệ thụ thai thành công nói chung của IVF thấp hơn nhiều.
"Lựa chọn giới tính thai nhi với sự hỗ trợ của Trung tâm Dima, gia đình bạn sẽ tròn trịa với một trai một gái", một bài đăng viết.
Thụ tinh trong ống nghiệm có tỷ lệ thành công vào khoảng 60-65% trong trường hợp tốt nhất, bà Marmash cho biết. Theo bác sĩ Salam Atabeh, cũng làm việc tại phòng khám, để nâng tỷ lệ này lên mức 99%, họ đưa hai đến ba phôi vào tử cung. Điều này sai lệch với các khuyến nghị quốc tế về việc chỉ cấp một hoặc hai phôi.
Theo báo cáo năm 2019 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tại các phòng khám tư nhân ở Bờ Tây, bác sĩ thường cấy từ ba đến 5 phôi trong khoảng 70% các ca IVF. Phương pháp này gây rủi ro lớn đối với cả mẹ và con.
Yasmine đã chọn cấy ba phôi để nâng cao cơ hội thụ thai sau vòng một thất bại. Nếu lần thứ hai cũng không thành công, người phụ nữ 27 tuổi cho biết cô không ngần ngại thử lần thứ ba.
Mỗi lần thụ tinh trong ống nghiệm có giá từ 10.000 đến 15.000 shekel (3.100 đến 4.600 USD) - một số tiền khổng lồ đối với nhiều người. Vì chi phí cao, các bà mẹ muốn tối đa hóa cơ hội mang thai mỗi lần thử.
Tiến sĩ Atabeh cho biết ông cẩn thận thông báo sớm cho các bệnh nhân của mình về những nguy cơ khi cấy quá nhiều phôi vào tử cung, như quá kích buồng trứng, chuyển dạ sớm, sinh nhiều lần và các rủi ro tiềm ẩn cho thai nhi.
Một bác sĩ phụ khoa giấu tên làm việc tại bệnh viện Israel cho biết cô tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mỗi tháng vì các biến chứng liên quan đến thủ thuật IVF thực hiện ở Bờ Tây. Dù hiếm gặp, tình trạng quá kích buồng trứng có thể khiến người bệnh phải nhập viện vì khó thở, buồn nôn hoặc suy thận, cô cho biết.
Khi chuyển hơn hai phôi vào tử cung, trẻ sơ sinh có thể phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt nhiều tuần liền. "Một số em bé bị tàn tật suốt đời, bị mù, điếc hoặc có các khiếm khuyết trong quá trình phát triển não bộ", bà nói.
Theo Hadeel Masri, người phụ trách vấn đề về sản khoa và sức khỏe phụ nữ của Bộ Y tế Palestine, chính quyền không thể tài trợ ngân sách công cho phương án thụ tinh trong ống nghiệm. Vì thế, lĩnh vực này trở thành mảnh đất màu mỡ, nằm hoàn toàn trong tay các phòng khám, bệnh viện tư nhân.
Bassem Abu Hamad, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Al-Quds, cho biết các phòng khám cấy tới 5 phôi vào tử cung phụ nữ vì "họ cần thủ thuật thành công để kiếm được nhiều tiền hơn".
"Đó là một hình thức kinh doanh", ông nói.
Thục Linh (Theo AFP)