Ban đầu, nam sinh sống tại TP HCM lên mạng để thư giãn, nhưng những video "lung linh" trên màn hình dần trở thành gánh nặng vô hình. "Ở đó, có những cậu bạn đồng trang lứa khoe cơ bụng săn chắc không tì vết, những cô bạn du học Mỹ với học bổng, và những thần đồng kiếm hàng trăm triệu đồng từ năm 17 tuổi", cậu kể trong buổi trò chuyện với thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos.
"Tại sao mình vẫn chưa kiếm ra tiền? Tại sao mình không đẹp như họ? Mình có đang đủ tốt không?", là những câu hỏi thường xuyên ám ảnh nam sinh. Từng ngày, cảm giác bất an trở thành vòng xoáy kéo Minh xuống. Cậu mất ngủ vì dán mắt vào màn hình điện thoại đến tận nửa đêm. Những thông báo mới trên tin nhắn khiến nam sinh hồi hộp, tim đập nhanh không rõ lý do. Minh dần né tránh việc chụp ảnh vì không muốn bị đem ra so sánh hay đánh giá.
Trường hợp khác, Linh, 16 tuổi, là một học sinh giỏi, được bố mẹ quan tâm và luôn khuyến khích con gái sống tự do theo cách bản thân mong muốn. Thế nhưng, từ khi nghiện mạng xã hội, Linh bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực.
Mỗi ngày, cô dành hàng giờ để xem các video về những cô gái cùng tuổi với vẻ ngoài xinh đẹp, biết cách trang điểm "điêu luyện", có phòng ngủ được decor đẹp như khách sạn, hay khoe những món quà đắt tiền từ người yêu "soái ca". Dần dần, Linh cảm thấy cuộc sống của mình thật nhàm chán và tầm thường. Nữ sinh bắt đầu tự hỏi: "Tại sao mình không xinh đẹp và nổi tiếng như họ? Tại sao mình chưa có người yêu tặng quà hàng hiệu?"
Dù bố mẹ luôn nói rằng Linh đẹp theo cách riêng của con, cô vẫn bí mật mua mỹ phẩm về tập trang điểm, rồi buồn bã khi không thể giống các TikToker. Cô cũng cảm thấy xấu hổ về căn phòng đơn giản của mình, dù trước đây từng rất thích nó. Thậm chí, Linh bắt đầu có triệu chứng rối loạn ăn uống vì muốn có vóc dáng "nhỏ như búp bê" giống các thần tượng mạng.
Áp lực vô hình từ những hình mẫu "hoàn hảo" khiến Linh luôn trong trạng thái lo lắng, tự ti. Cô xuất hiện rối loạn ăn uống vì muốn có vóc dáng "nhỏ như búp bê" giống các thần tượng mạng, nhưng không thành công sau thời gian dài ăn kiêng.

Một số ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại di động. Ảnh: Ngọc Thành
Theo thạc sĩ Toàn Thiện, cả Minh và Linh đều là thanh thiếu niên được gia đình yêu thương, không chịu áp lực từ bố mẹ. Tuy nhiên lại bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, tự theo đuổi "sự hoàn hảo ngầm", dẫn đến rối loạn tâm lý dù không có nguyên nhân rõ ràng từ môi trường thực.
"Sự hoàn hảo ngầm" là khi một người âm thầm tự đặt ra những tiêu chuẩn cao, luôn lo sợ bị đánh giá và gồng gánh kỳ vọng cá nhân dù không công khai. Trong thời đại mạng xã hội, cảm giác này càng dễ nảy sinh bởi hầu hết người dùng chỉ chia sẻ những khoảnh khắc đẹp nhất, thành công lớn nhất. Họ vô tình tạo ra một thực tế phiến diện, nơi khó khăn và thất bại bị che giấu. Điều này thúc đẩy những người khác cảm thấy bản thân "không đủ tốt" khi so sánh với những gì nhìn thấy trên mạng.
Nghiên cứu năm 2021 của Barna Group (Mỹ) cho thấy, cứ 5 người Gen Z thì có 2 người chịu áp lực từ kỳ vọng xã hội. Trong đó, lý do phổ biến nhất là áp lực thành công (56%) và cần phải hoàn hảo (42%). Ngoài ra, sự so sánh âm thầm qua mạng xã hội còn khiến người trẻ dễ lún sâu vào cảm giác bất mãn với bản thân. Theo Common Sense Media, thời gian sử dụng điện thoại trung bình ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng 17% chỉ trong hai năm 2019-2021. Dành quá nhiều giờ trực tuyến, những người trẻ như Minh và Linh dễ dàng mắc kẹt trong vòng lặp so sánh không lối thoát.
Hiện Việt Nam chưa có thống kê về số người trẻ mắc các bệnh tâm lý do áp lực từ mạng xã hội, song các bệnh viện ghi nhận số trẻ vị thành niên đến khám ngày càng tăng. Trong đó, một trong nguyên nhân được các chuyên gia nhận định là số thời gian sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều.
Tương tự, nghiên cứu của tiến sĩ Gary Goldfield (Canada, 2023) trên nhóm thanh niên 17-24 tuổi sử dụng mạng xã hội hơn hai giờ mỗi ngày cho thấy, 31% cảm thấy bất mãn với ngoại hình, 40% lo lắng về cơ thể khi xem ảnh trên mạng, và 35% giảm ăn hoặc nhịn đói vì áp lực cân nặng. Những cảm giác này không chỉ làm suy giảm lòng tự trọng mà còn kéo theo các rối loạn tâm lý như lo âu, mất ngủ, trầm cảm.
Áp lực phải đạt những tiêu chuẩn phi thực tế có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý như hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome), nơi cá nhân luôn cảm thấy mình không xứng đáng dù đã đạt được thành tích đáng ghi nhận. Thanh thiếu niên thường trực cảm giác thất bại và cô lập bản thân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.
Đặc biệt, mạng xã hội còn củng cố những tiêu chuẩn vẻ ngoài phi thực tế thông qua chỉnh sửa ảnh và thuật toán ưu tiên các bài đăng hoàn hảo. Đây là nhân tố chính thúc đẩy xu hướng không hài lòng về cơ thể ở giới trẻ. Young Minds (Anh) ước tính số trẻ em từ 5-16 tuổi xuất hiện các vấn đề tâm lý đã tăng 50% từ năm 2017-2021, trong đó một phần lớn liên quan đến ảnh hưởng của truyền thông xã hội.

Mọi người thường so sánh bản thân một cách âm thầm khi lướt mạng xã hội. Ảnh: Pexels
Để giải quyết áp lực phải hoàn hảo, thạc sĩ Thiện cho rằng mỗi cá nhân cần học cách chấp nhận sự không hoàn hảo như một phần tự nhiên của cuộc sống. Việc thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội, kết hợp nhiều hoạt động lành mạnh như thể thao, hòa mình vào thiên nhiên, hay theo đuổi đam mê có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm lý đáng kể. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về giá trị bản thân để không rơi vào vòng xoáy so sánh – một quá trình tưởng chừng như vô hại nhưng để lại hậu quả sâu sắc.
Những biện pháp lớn hơn, chẳng hạn cập nhật chính sách quản lý nội dung của các nền tảng mạng xã hội, cùng với việc tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng internet lành mạnh trong trường học, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực.
"Một mạng xã hội 'thật' hơn có thể không giải quyết hết mọi vấn đề, nhưng chắc chắn sẽ giúp thanh thiếu niên cảm nhận giá trị cuộc sống rõ ràng hơn – không định nghĩa theo số lượt like hay những tiêu chuẩn hào nhoáng thoáng qua", ông Thiện chia sẻ.
Mỹ Ý