Nhận định này được ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính nêu tại hội thảo dự báo về thị trường và giá cả, ngày 4/1.
Ông Độ đưa ra kịch bản dự báo lạm phát 2024 tăng 2,5-3,5%. Con số này chưa tính tới giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý. "Áp lực lạm phát năm nay sẽ không lớn, bởi kinh tế thế giới, nhất là Mỹ và Trung Quốc, dự báo tăng trưởng chậm lại", ông Độ nói.
Yếu tố nữa được chuyên gia này đưa ra, là giá dầu có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, quanh mức 67 USD một thùng - tương đương ngưỡng giá bình quân giai đoạn 2019 - 2023.
"Nền kinh tế vẫn hoạt động ở mức dưới tiềm năng khi xuất khẩu sẽ tăng trưởng vừa phải, GDP quanh mức 6%. Đây là yếu tố giúp kiềm chế lạm phát", ông Độ nói thêm.
Lạm phát tăng thấp cũng là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo hôm nay. Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia đến từ Học viện Tài chính, cho rằng mức trượt giá của hàng hóa, tiêu dùng sẽ quanh ngưỡng 3,2-3,5%.
"Trường hợp kinh tế thế giới phục hồi, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội từ xuất nhập khẩu, dịch vụ và giải ngân đầu tư công, lạm phát cũng chỉ 3,5-3,8%", ông đánh giá.
Chỉ số CPI năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4,5%). Đây là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.
Áp lực lạm phát không lớn, theo các chuyên gia sẽ tạo đà cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng năm nay. Ông Thịnh dự đoán GDP sẽ dao động 5,5-6,5%.
Tuy vậy, PGS. TS Phan Thế Công, Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Thương mại), lưu ý nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những "ẩn số" có thể gây áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng, như giá dịch vụ y tế, học phí đại học vừa tăng từ đầu năm, hay lương sẽ tăng từ 1/7.
Trước những biến số tác động từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế, đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) nói sẽ theo dõi sát diễn biến để có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là các thời điểm lễ, Tết, điều chỉnh tiền lương.