Anh ta vượt qua các lớp an ninh tại nơi được cho là nghiêm ngặt bậc nhất thế giới để trở về quê hương Triều Tiên ở bên kia giới tuyến.
Hơn 33.000 người Triều Tiên đã chạy trốn khỏi quê hương trong vài thập kỷ gần đây với hy vọng thay đổi cuộc sống. Nhưng một số người lại chọn con đường quay về, dù đón chờ họ là một tương lai bất định.
Theo tình báo Hàn Quốc, khoảng 30 người Triều Tiên đã trở về sau khi định cư ở nước này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội ước tính con số thực có thể cao hơn nhiều, lên tới hàng trăm.
Một số người sau khi quay về đã xuất hiện trong các video hoặc họp báo của Triều Tiên để chia sẻ những câu chuyện đẫm nước mắt, cho thấy họ đã hối tiếc như thế nào khi chọn ra đi.
"Rất khó để ước tính, nhưng có lẽ còn nhiều hơn thế", Baek Nam-seol, giáo sư tại Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, người từng nghiên cứu về người đào tẩu Triều Tiên, cho biết. "Chắc chắn có những người không được chính quyền Triều Tiên nêu tên. Chúng tôi chỉ nhận được xác nhận khi Triều Tiên chọn công khai danh tính họ".
Dù không công bố danh tính, giới chức tại Seoul cho biết người đàn ông vượt giới tuyến tại DMZ vào ngày đầu năm mới đã đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc hồi tháng 11/2020 rồi lại trở về quê hương theo đúng như cách anh ta từng đến.
Quyết định trở về sau hơn một năm của anh ta là minh chứng mới nhất về những thách thức mà người đào tẩu Triều Tiên phải đối mặt khi tới một nơi hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm. Khó khăn càng chồng chất khi không ít người bị cộng đồng cô lập và bị đại dịch Covid-19 bào mòn túi tiền vốn đã không mấy dư dả.
Gần 1/5 người đào tẩu Triều Tiên ở Hàn Quốc cho biết họ đã nghĩ đến việc quay trở về, theo cuộc khảo sát năm 2021 của Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên. Lý do thường được đưa ra là nhớ quê hương, gia đình. Một số người nói rằng họ từng bị phân biệt đối xử ở Hàn Quốc hoặc nhận thấy xã hội quá cạnh tranh.
Joo Seong-ha, người rời khỏi Triều Tiên vào năm 2002 và hiện công tác tại một tờ báo Hàn Quốc, cho hay anh vẫn luôn nghĩ về quê hương. "Làm sao có thể không nhớ khi bạn vẫn còn gia đình ở đó", anh nói.
Theo Park Young-ja, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, những người không có gia đình, bạn bè ở Hàn Quốc từ trước thường gặp khó khăn hơn trong quá trình thích nghi.
Những thách thức liên tục của họ cho thấy xã hội Hàn Quốc còn phải đi cả một chặng đường dài nữa để có thể hoàn toàn đón nhận những người đào tẩu Triều Tiên, ngay cả khi có hàng chục nghìn người Triều Tiên sống ở Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua, xuất hiện trên truyền hình, tranh cử, thậm chí bắt đầu công việc kinh doanh riêng.
"Nó cho thấy những giới hạn về tiềm năng hội nhập giữa Hàn Quốc và Triều Tiên", Park nhận xét. "Cuối cùng, thứ cần thiết hơn cả là sự hòa nhập của trái tim".
Dù hai miền Triều Tiên có chung ngôn ngữ, ẩm thực và văn hóa, trong 7 thập kỷ kể từ sau cuộc chiến tranh 1950 - 1953, cuộc sống ở hai bên biên giới ngày càng phân hóa khi Hàn Quốc không ngừng phát triển, còn Triều Tiên rơi vào tình trạng bị cô lập.
Dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il, Triều Tiên rất ít quan tâm đến những người đào tẩu, gọi họ là "kẻ phản bội". Nhưng không lâu sau khi Kim Jong-un, con trai ông, lên nắm quyền vào năm 2011, Bình Nhưỡng đã bắt đầu nỗ lực thu hút người bỏ trốn trở về, ân xá cho họ và hứa cung cấp cuộc sống thoải mái để đổi lấy thông tin về những người Triều Tiên khác sống ở Hàn Quốc.
Chính quyền Kim Jong-un "thực hiện rất nhiều cách để hòa giải và lôi kéo, đôi khi còn sử dụng gia đình người đào tẩu làm con tin", Kim Yun-young, giáo sư trợ giảng tại Đại học Cheongju, Hàn Quốc, cho hay.
Trong video năm 2016 do chính phủ Triều Tiên đăng tải, Kang Chul-woo, 40 tuổi, người trở về vì lo lắng cho vợ còn ở quê nhà, cho biết anh ta bị phân biệt đối xử và chèn ép kinh tế khi cố gắng kiếm sống ở Hàn Quốc.
"Tôi chỉ dành một năm 6 tháng tại Hàn Quốc, nhưng mọi giây phút ở đó đều giống như một thập kỷ và mỗi ngày đều giống như địa ngục", Kang nói. "Tôi bị khinh bỉ và coi thường ở bất cứ nơi nào tôi đến vì tôi là người đào tẩu Triều Tiên".
8 tháng sau, Kang lại trốn khỏi Triều Tiên một lần nữa, theo hồ sơ của tòa án Hàn Quốc. Anh ta bị Hàn Quốc kết án ba năm 6 tháng tù vì cung cấp cho chính quyền Triều Tiên thông tin về những người đào tẩu.
Các phiên tòa khác liên quan đến nỗ lực quay trở về của người đào tẩu Triều Tiên cho thấy nỗi tuyệt vọng mà họ phải đối mặt. Một người đàn ông làm trong ngành xây dựng đã bị lừa khoảng 50.000 USD và bị những kẻ đòi nợ truy đuổi.
Có người bị tịch thu tiền đặt cọc thuê nhà khi không thể trả khoảng 800 USD mà anh ta nợ người môi giới đưa anh trốn thoát. Một người khác, ngoài 60 tuổi, bị đột quỵ và muốn gặp lại vợ con trước khi chết.
Theo truyền thông địa phương, người trốn về Triều Tiên vào ngày đầu năm mới từng nói với các nhà điều tra rằng anh từng là vận động viên thể dục dụng cụ ở quê nhà, đang làm công nhân dọn vệ sinh ở Hàn Quốc và phải vật lộn để kiếm sống.
Những áp lực kinh tế mà người đào tẩu Triều Tiên phải đối mặt đã được phơi bày vào năm 2019 khi Han Sung-ok, bà mẹ đơn thân và con trai 6 tuổi bị phát hiện chết trong căn hộ của họ ở Seoul, nghi do đói.
Hàn Quốc cung cấp phí tái định cư và nhà ở trong 5 năm đầu tiên cho những người đào tẩu Triều Tiên, nhưng không ít người vẫn trắng tay bởi họ phải trả phí cho người môi giới giúp họ đào tẩu và chật vật tìm việc làm ổn định.
Theo Jeon Su-mi, luật sư làm công tác vận động cho người đào tẩu Triều Tiên, nhiều người đã vỡ mộng trước chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản ở Hàn Quốc. Jeon cho rằng giới chức và người dân Hàn Quốc cần thực sự suy ngẫm việc những người đào tẩu tự nguyện trở về.
"Hàn Quốc đã sẵn sàng chào đón và chấp nhận những người đào tẩu này đến đâu?", Jeon nói. "Họ liều mạng đến đây và liều mạng một lần nữa để rời đi. Việc đó nói lên nhiều điều".
Vũ Hoàng (Theo Los Angeles Times)