Mấy năm gần đây, mỗi lần trong không khí hân hoan đón Tết, tôi luôn một mối lo lắng khi văn hóa lì xì nó đang vô tình trở thành một cuộc " đổi chác" làm hại những đứa trẻ.
Năm nay dù Tết còn hơn hai tháng nữa mới Tết, nhưng tôi vẫn muốn trao đổi ý kiến của mình trước. Dù tất cả chúng ta không nghĩ và cũng không ai muốn nhà mình được hưởng lợi từ việc đó.
Mọi người cứ tăng giá trị lì xì cho trẻ từ 20 nghìn rồi 50 nghìn đồng, có khi nhiều hơn thế để cho "đẹp". Và rồi phụ huynh có con nhận được khoản lì xì đó cũng lại phải lo lắng, sốt sắng lì xì lại cho bằng được để cho đỡ ngại.
Trong khi những đứa trẻ lên hai, lên ba chưa biết giá trị to hay bé cầm sau lại để rơi đâu đó ở dọc đường. Những đứa lớn hơn hiểu giá trị đồng tiền thì sẽ có hai luồng suy nghĩ: Bác nào (dù chẳng quen biết gì) lì xì mình 10 nghìn, 20 nghìn thì có vẻ không vui có khi còn bĩu môi "Tết mà mừng tuổi có 10 nghìn".
Dù nó không thể hiện điều đó ngay lập tức trước mặt, sau tết tiền bố mẹ vất vả kiếm để mừng tuổi qua lại vô tình biến thành của riêng các cháu và sử dụng nó một cách tùy tiện, vô tình làm hư các cháu.
Tôi là một người lên thành phố lao động, hầu như tết mới có dịp cả nhà về đông đủ để dẫn các con đi chúc tết anh em họ hàng, làng xóm.
Khổ nổi, vì cái kiểu mừng tuổi "áp lực" đó mà rất nhiều lần tôi chỉ đi một mình hoặc cùng lắm thì chỉ dẫn một bé đi. Trong khi tôi rất muốn tất cả con tôi được đi gặp mặt, chúc Tết tất cả xóm làng.
Nhiều lần nói là ông bà, các bác mừng ít thôi, tinh thần là chính nhưng lại bị gạt với lý do "tết mà - mấy khi gặp". Là bố mẹ chúng tôi thấy rất áp lực khi con nhận số tiền lớn như thế.
Nhiều cụ già nhiều khi chắt góp cả năm cũng không đủ mừng tuổi Tết, thành ra vô tình nó trở thành gánh nặng cho các cụ. Mừng tuổi Tết mà toàn phải đổi cả mấy triệu tiền lẻ.
Tết, một dịp hiếm hoi mà bà con xóm giềng đi lại nhà nhau chơi, chúc nhau năm mới sức khỏe, hạnh phúc. Hãy trả lại nó nhẹ nhàng như ông bà xưa mừng tuổi cháu vài cái bánh quy hay có khi là một câu chúc, hoặc một hai đồng lẻ tượng trưng.
Tóm lại, tôi thấy đã đến lúc người lớn nên xem lại và điều chỉnh việc lì xì - để có một cái tết nhẹ nhàng. Nó không gây áp lực cho người nhận và cũng không gây áp lực cho người lì xì.
Các cháu nhỏ được vô tư đi lại chúc Tết. Bố mẹ không phải lo lắng giữ hộ tiền cho các bé vì sợ làm rơi. Các cháu lớn thì cũng không nhận quá nhiều tiền và chuyển hóa thành "của riêng" để rồi sử dụng vào những việc không hợp lý.
Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều cho tất cả mọi người để thoải mái chuẩn bị và thoải mái đón tết đoàn viên.
Khánh