Khi xe khách giường nằm biển Hà Tĩnh chạy vào gara của công ty vận tải ở huyện Hương Khê sáng 26/2, tài xế Đinh Mạnh Quân, 47 tuổi, thở phào nhẹ nhõm. Anh nói lái xe khách đêm thực sự nguy hiểm, pha "cắt mặt" của xe tải tối hôm trước chỉ là một trong số nhiều tình huống phải xử lý trong suốt hành trình hơn 12 tiếng từ Quảng Ninh về Hà Tĩnh. "Xe tải như đang đua tốc độ, không để ý xung quanh. Những pha xử lý chớp nhoáng như vậy, dù xuất phát từ xe tải hay xe khách đều khiến cánh tài xế sợ", anh nói.
Anh Quân quê huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), theo nghề tài xế năm 25 tuổi. 4 năm nay anh lái xe giường nằm tuyến Hà Tĩnh - Quảng Ninh, xuất phát lúc 17h và đến bến cuối lúc 5-6h sáng hôm sau, lương tháng 11 triệu đồng. Mỗi lần nổ máy bắt đầu chuyến đi, anh chia sẻ luôn thấy áp lực. Khác với tài xế xe cá nhân hay xe tải đường dài, người lái xe khách phải đảm bảo an toàn cho vài chục con người, sơ suất nhỏ có thể lĩnh hậu quả lớn, thậm chí vướng lao lý.
Chạy ban ngày, tài xế làm chủ được phương tiện, dễ quan sát được súc vật thả rông, xe thô sơ không lắp đèn hậu. Nhưng ban đêm sương mù, thiếu ánh sáng, cảm nhận về màu sắc và tầm nhìn bị hạn chế, khả năng phán đoán tình huống giảm. Anh Quân ví lái xe đêm giống như đang chơi game mạo hiểm. Các chướng ngại vật thường xuất hiện đột ngột để thử thách phản xạ và sự tập trung. Mắt phải hoạt động nhiều hơn, thường xuyên căng ra để nhận dạng các vật thể trôi qua vùn vụt trước mui xe cũng như hai bên hông xe.
Ám ảnh nhất là phải đi qua các cung đường có nhiều xe tải, xe container. Phương tiện cồng kềnh, nhiều tài xế tranh thủ đường vắng, thiếu sự giám sát của cảnh sát giao thông nên chạy tốc độ cao. Anh Quân nhiều lần hốt hoảng vì xe container tạt đầu. Đôi khi anh phải đạp phanh gấp, có lúc khoảng cách giữa hai xe là 3 m, hay hông hai xe chỉ cách nhau 30 cm.
Anh Quân nhớ mãi tình huống 5 năm trước, khi chạy tuyến Hà Tĩnh - TP HCM. 23h, xe đi qua Quảng Nam, một người lái xe máy đột ngột rẽ sang làn ôtô, bị đâm gãy xương sườn. Nếu bẻ lái để tránh đâm xe máy thì ôtô dễ bị lật, hàng chục hành khách đối mặt nguy hiểm, nguy cơ gây tai nạn liên hoàn. Anh đành rà phanh, giảm tốc độ và đi đúng làn để giảm thiểu thiệt hại.
"May mắn là tình trạng của nạn nhân không nghiêm trọng. Sau khi xuất viện họ gặp tôi nhận sai, bảo do trời tối không quan sát thấy ôtô phía sau nên rẽ", anh Quân nói. Vì thế, dù pháp luật không quy định, công ty cũng không có chỉ đạo nào, anh Quân cho hay vẫn thường chạy chậm hơn tốc độ cho phép.
Bốn năm lái xe giường nằm tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội, anh Trung, 38 tuổi, quê Nghệ An, chia sẻ ban đêm mật độ phương tiện giảm, nhưng tài xế phải đối diện nhiều rủi ro hơn ban ngày. Ngoài sương mù, trời tối, thiết kế đường sá bất lợi cho tài xế chạy đêm. Dải phân cách phản quang kém, thường bị mờ do bụi bẩn. Nhiều đoạn đường hẹp không có dải phân cách, không có làn dừng khẩn cấp, tài xế phải căng thẳng xử lý ôtô ngược chiều lấn làn, bật đèn pha chói mắt.
Ban đêm xuất hiện nhiều người điều khiển phương tiện trong trạng thái không tỉnh táo. Một năm trước, khi xe chạy qua đoạn đường vắng ở Thanh Hóa, anh Trung gặp nhóm thanh niên có dấu hiệu say rượu chạy từ đường làng ra quốc lộ 1 lúc nửa đêm. Họ dàn hàng ngang, đánh võng, buộc anh phải đánh lái, đạp phanh, đi từ từ phía sau chờ họ rẽ vào đường khác. Anh không dám bóp còi, sợ họ hiểu nhầm là khiêu khích, sẽ chặn xe gây gổ.
Lái xe đêm khiến cuộc sống tài xế đảo lộn, ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc. "Giấc ngủ đêm là ngon nhất, nhưng phải cầm vô-lăng. Ban ngày thì ồn ào, khó ngủ. Thức đêm nhiều nên mắt kém, thường cay xè. Thần kinh căng thẳng, chân tay yếu hơn vì suốt ngày ôm vô-lăng mà ít vận động. Giới hạn độ tuổi cho tài xế là 55, nhưng tôi chắc không làm đến tầm đó", anh Trung chia sẻ.
Quản lý nhiều xe giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai vào ban đêm, ông Đỗ Hữu Bằng, Giám đốc nhà xe Sao Việt, cho rằng ngoài những lý do khách quan kể trên, rủi ro, tai nạn còn có nguyên nhân từ chính tài xế. Ban đêm đường vắng, tần suất tuần tra của lực lượng chức năng giảm, người lái có tâm lý chạy nhanh hơn và không lo bị xử lý. Trong khi đó tầm nhìn hạn chế, việc nhận diện thông tin, phản ứng của tài xế đều kém và chậm.
"Chúng tôi đau đầu khi vận hành phương tiện ban đêm vì đối diện nhiều nguy cơ mất an toàn, trong khi nhiều hành khách muốn đi đêm để tiết kiệm thời gian", ông Bằng nói.
Hai vụ tai nạn gần đây ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được công an xác định lỗi chủ quan của tài xế xe khách. Vụ ôtô khách 16 chỗ đâm vào xe đầu kéo tại ngã tư làm 10 người chết, 11 người bị thương sớm 14/2 do tài xế đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ và chở quá số người quy định. Vụ xe khách giường nằm đâm vào xe tải dừng đỗ bên quốc lộ 1 khiến 3 người chết, 13 người bị thương do tài xế thiếu quan sát. Hiện người này đã bị khởi tố.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2022 cả nước xảy ra 11.348 vụ tai nạn giao thông, trong đó khung giờ tai nạn nhiều nhất là từ 16h đến 22h (hơn 40%), tiếp đó là 10h đến 4h (24%), khung 22h đến 4h khoảng 18% và 4h đến 10h chiếm 16%.
TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, phân tích nếu nhìn tỷ lệ trên thì số vụ tai nạn từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau không phải cao nhất. Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ số vụ tai nạn trên số phương tiện lưu thông thì tai nạn ban đêm luôn cao hơn ban ngày.
Để hạn chế tai nạn với xe khách, TS Minh cho rằng tài xế cần tuân thủ quy tắc an toàn, chạy tốc độ thấp hơn quy định; chuẩn bị thể lực, ngủ đủ, sử dụng thiết bị chống buồn ngủ. Người lái và bộ phận quản lý an toàn của doanh nghiệp cần lên kế hoạch chuyến đi ở cự ly và thời gian vừa phải, bảo đảm lái xe được nghỉ giữa giờ. Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát thời gian làm việc của tài xế qua phần mềm, giám sát tốc độ vào ban đêm, xử phạt nguội.
Đắc Thành - Đức Hùng - Đoàn Loan