11h, giữa cái nắng 36 độ C ở Sài Gòn, anh Nguyễn Thanh Phong, 35 tưởi, chở 2 công nhân Công ty môi trường đô thị TP HCM đeo khẩu trang, mắt kính, mặc đồ bảo hộ kín mít, trên xe tải 3,5 tấn chạy vào khu chứa rác rộng khoảng 60 m2 trong Bệnh viện dã chiến Củ Chi, cách trung tâm thành phố hơn 30 km. Xe lùi vào giữa khu chứa rác, chỉ cách nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 vài bước chân.
Sau đó, nam tài xế điều khiển cần trục cho hệ thống nâng hạ ở đuôi xe hoạt động. Hai nhân viên còn lại người lấy bình phun dung dịch Cloramin B sát khuẩn toàn bộ xe, người ghi chép nhật ký giao nhận. Các loại rác chủ yếu là dụng cụ vệ sinh cá nhân, khăn, giấy, khẩu trang... đều thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm nCoV của hơn 200 bệnh nhân điều trị tại 6 khu trong bệnh viện.
Công đoạn cuối, nhân viên môi trường đeo găng tay cao su kéo thùng rác vào vị trí tập kết ở đuôi xe để cẩu lên thùng. Sau 15 phút, xe đã chứa hơn 20 thùng rác. Mỗi thùng dung tích 240 lít, miệng được dán băng keo kín mít. Xe được phun khử khuẩn lần nữa rồi mới chạy về nơi xử lý tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cách hơn 20 km.
Đó là một điểm trong hơn chục khu cách ly, phong tỏa khắp thành phố mà hàng ngày anh Phong cùng đồng nghiệp đến thu gom. Từ ngày bùng phát dịch hồi đầu năm ngoái, thay vì chở rác y tế 2 chuyến mỗi ngày, công việc của anh tăng gấp đôi với 4 chuyến, trong đó chủ yếu là rác ở các khu cách ly. Cả đội phải dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe hơn 200 km khắp thành phố đến từng khu cách ly để thu gom mới kịp đưa đi xử lý.
Gần một tháng qua khi dịch lây lan mạnh ở TP HCM, những công nhân xử lý rác không về nhà mà ăn ngủ tại nhà máy để phòng bệnh cho người thân. Sau những chuyến thu gom, anh Phong cùng 5 đồng nghiệp trong tổ về gian phòng nhỏ, rộng chừng 25 m2 ở nhà máy. 21h tối, sau khi gọi điện về thăm hỏi gia đình, họ trải chiếu trên nền, kê tạm xấp báo lên đầu, chập chờn trong giấc ngủ.
Cũng tại dãy nhà ở dành cho công nhân, nhiều lần anh Phùng Văn Cường, 42 tuổi, công nhân khu vực lò đốt rác, chứng kiến đồng nghiệp bị xỉu vì làm quá sức trong bộ đồ bảo hộ suốt 12 tiếng. Mỗi ngày công nhân phải dùng ít nhất 3 bộ bảo hộ trùm kín từ đầu đến chân, đứng nhiều giờ liền ở khu xử lý đốt rác y tế nhiệt độ trong lò gần 1.000 độ C. Sức nóng trong lò toả ra cùng với mùi dung dịch sát khuẩn nồng nặc khiến nhiều người bị choáng, lả người đi. Một số người không xỉu lại bị cảm giác buồn nôn sau mỗi ca làm, không ăn uống gì được.
Đội công nhân thu gom, xử lý rác liên quan dịch ở Công ty môi trường đô thị có hơn 70 người. Hàng ngày, họ phải thu gom rác từ hơn 85 khu cách ly tập trung, một số bệnh viện ở thành phố. Hiện, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 35 tấn rác liên quan Covid-19, trong đó có khoảng 17 tấn rác ở trong khu cách ly, phong tỏa, còn lại là rác ở bệnh viện.
Rác được xử lý qua hai lần phun xịt khử khuẩn, sau đó xử lý bằng công nghệ đốt nhiệt độ cao công suất 21 tấn mỗi ngày bằng lò quay sử dụng nhiên liệu gas. Tro thải sau khi đốt phải hoá rắn, chôn lấp tại nơi dành riêng chất thải nguy hại. Trường hợp dịch bệnh ở TP HCM diễn biến phức tạp, số lượng rác tăng vượt quá 42 tấn mỗi ngày, sẽ vượt quá công suất xử lý của ngành môi trường đô thị.
Theo ông Hà Trần Nguyên Đức, Phó giám đốc Chi nhánh dịch vụ môi trường, Công ty môi trường đô thị TP HCM, để đảm bảo an toàn công nhân, đơn vị đã trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, công nhân được tập huấn các nguyên tắc, quy định về phòng dịch ở từng khu vực, vị trí làm việc.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố diễn ra cuối tuần trước, lãnh đạo Công ty môi trường đô thị kiến nghị TP HCM ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng thu gom rác thải nguy hại, đồng thời hướng dẫn địa phương phân loại rác sinh hoạt và y tế. Bởi khi các loại rác liên quan dịch hầu họng khi được phân loại sẽ giúp công nhanh dễ thu gom, giảm áp lực cho các nhà máy xử lý.
Hà An