Thứ ba, 7/1/2025
Thứ bảy, 5/6/2021, 10:46 (GMT+7)

Quy trình xử lý rác thải y tế liên quan Covid-19 ở TP HCM

Khoảng 35 tấn rác y tế mỗi ngày ở bệnh viện, khu cách ly được xịt khử khuẩn nhiều lần trước khi cho vào lò đốt nhiệt độ cao.

Sáng 4/6, xe chuyên dụng chứa rác thải y tế của Công ty Môi trường Đô thị TP HCM tới khu để rác của Bệnh viện Dã chiến Củ Chi thu gom. Công ty này là đơn vị chịu trách nhiệm xử lý chất thải y tế tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện trong thành phố.

Mỗi xe gồm ba người, họ phải mặc đồ bảo hộ kỹ càng trước khi vào nơi tập kết rác.

Với rác thải y tế, nhân viên trước khi thu gom lên xe phải xịt khử khuẩn từng thùng, sau đó dùng băng keo dán nắp trước khi chở đến nhà máy xử lý.

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ Môi trường (Công ty Môi trường Đô thị) cho biết, Covid-19 khiến lượng rác thải y tế ở các khu cách ly, bệnh viện tại thành phố tăng từ 23 tấn lên 35 tấn mỗi ngày.

Rác thải y tế ở đây chủ yếu là khẩu trang, trang phục bảo hộ, dụng cụ lấy mẫu xài một lần, đồ sinh hoạt của người cách ly tập trung...

Theo ông Tuấn, hiện công suất xử lý rác y thải y tế của ngành môi trường thành phố khoảng 42 tấn mỗi ngày. Nếu dịch tiếp tục phức tạp, việc thu gom, xử lý rác y tế sẽ gặp khó khăn. Công ty đã báo UBND thành phố và các sở ngành tìm phương án giải quyết trong tình huống rác vượt quá công suất.

Lái xe Nguyễn Thanh Phong (ngoài cùng bên trái) ghi lại khối lượng từng thùng rác lúc đang cân, trước khi chất lên xe. Mỗi thùng chứa khoảng 30 ký rác thải y tế. Một ngày, nhóm công nhân thu gom khoảng 300 - 400 kg rác tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

"Tôi làm công việc này từ khi dịch mới xuất hiện, giờ một ngày đi cỡ 15 khu cách ly, bệnh viện gom rác. Lúc đầu ai cũng sợ dính nhưng quy trình bảo hộ kỹ nên thấy an tâm. Điều lo nhất là rác y tế rơi ra đường, sẽ gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19", anh Phong cho biết.

Mất gần nửa tiếng để lấy hết rác tại bệnh viện dã chiến. Xe tiếp tục được xịt khử khuẩn hai lần tại điểm thu gom và cổng chính trước khi đi về nhà máy xử lý rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), cách đó 30 km.

Tại nhà máy xử lý rác Đông Thạnh, xe tiếp tục được xịt khử khuẩn trước khi nhân viên di chuyển thùng rác vào khu tập kết. Một xe chứa được từ 30 đến 50 thùng tùy theo kích cỡ.

Trong khu xử lý rộng gần 1.000 m2, những thùng rác thải y tế được để ở chỗ riêng, có hàng rào ngăn cách. Nhân viên tại đây liên tục phun xịt khử khuẩn trước khi cho vào lò đốt.

Hệ thống máy xử lý bằng công nghệ đốt nhiệt độ cao được vận hành tự động, công suất 21 tấn một ngày, hoạt động liên tục. Tro thải sau khi đốt phải hóa rắn, chôn lấp tại nơi dành riêng chất thải nguy hại.

Những thùng chứa rác y tế sẽ được rửa sạch, phơi khô ngoài sân trước khi chất lên xe để mang đến đặt tại các khu cách ly, bệnh viện.

TP HCM đang có 5 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 gồm Chợ Rẫy, Dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Nhi đồng thành phố và Bệnh nhiệt đới. Ngoài ra, thành phố đang duy trì 72 khu cách ly với gần 10.500 chỗ, khi cần sẽ huy động 9 khu của quân đội và ký túc xá Đại học Quốc gia nâng tổng công suất khoảng 30.000 giường.

Nhóm công nhân sau khi thu gom, xịt khử khuẩn ngồi nghỉ ngơi giữa giờ bên trong nhà máy. "Việc xử lý rác thải y tế nguy cơ dính Covid-19 rất cao nên phải mặc đồ bảo hộ gần như nguyên ngày. Người lúc nào cũng nóng nực, mồ hôi vã ra như tắm", ông Nguyễn Hoàng Nhân, 48 tuổi (ngồi giữa) nói.

Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh hình thành năm 1990. Cuối năm 2002, nơi đây ngưng hoạt động, chỉ còn nhà máy rác theo công nghệ đốt nhiệt độ cao, chủ yếu lý xử lý rác thải y tế của thành phố.

Khu vực từng là nơi chôn lấp đã được cải tạo thành mảng xanh, trồng nhiều cây trái như dưa lưới, ổi, rau xanh... công nghệ cao; góp phần tăng thu nhập cho công nhân, mang lại giá trị kinh tế cho công ty.

Quỳnh Trần - Hà An