Đoàn nhiều thì bốn, năm người, ít thì cắt cử một người đến với túi quà cầm theo. Dù khác nhau về số lượng người, độ to nhỏ của túi quà, nhưng họ giống nhau ở chỗ ngồi một chút đã mở cửa đi về. Nguyên do, họ sợ chạm mặt nhau, hơn nữa ai cũng nghĩ sếp còn phải tiếp đoàn khác nên "điểm danh" như thế là đủ. Là người trong cơ quan, gần tết chồng tôi cũng biếu quà sếp, không phải một mà hai, ba vị cấp trên của anh, chức càng cao thì giá trị quà tặng càng nhiều. Lương chồng tôi chưa đến chục triệu đồng nhưng tháng cận tết là khoản đó cũng đi tong, anh giải thích: "Cả cơ quan biếu, chẳng nhẽ chừa lại mỗi mình".
Gần tết bao nhiêu việc cần lo, thêm nghĩa vụ phải nghĩ quà cho sếp của chồng khiến tôi điên đầu; quà dân dã quá sợ bị chê bôi, sang trọng quá kinh tế lại không đủ. Nhiều lúc tôi bảo chồng, hay nghỉ việc, ra ngoài làm, tết khỏi nghĩ đến việc tặng quà. Anh bảo giờ môi trường nào chẳng như thế. Năm đầu tiên đi tặng quà tết với chồng ở nhà riêng của sếp, vợ chồng tôi phải ngồi ngoài chờ lâu mới đến lượt. Những năm sau thấy phiền hà, mất thời gian, tôi nhất quyết không đi cùng chồng. Quả thực từ khi tôi ra trường đi làm đến giờ, chưa năm nào phải tặng quà cho sếp. Những vị sếp tôi làm cũng chẳng bao giờ vì nhân viên không tặng quà mà tỏ thái độ khó chịu. Họ là người nước ngoài, không biết thói quen tặng quà tết của người Việt.
Giờ tôi nghĩ, nếu sếp của chồng cũng được như những sếp của tôi thì mọi việc nhẹ nhàng biết bao.
Thư
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc